Vé giả được người bán rao bán như vé thật, nhưng lại không có giá trị sử dụng để vào được cổng sân vận động xem đá bóng như vé thật. Do vậy, căn cứ định nghĩa tại Nghị định 141/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), thì những chiếc vé giả bán trên thị trường được hiểu là hàng giả. Người có hành vi sản xuất và buôn bán vé giả sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hành vi buôn bán vé giả không có giá trị sử dụng sẽ bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị của hàng thật tương đương với hàng giả được bán ra. Đối với hành vi sản xuất vé giả, mức phạt tiền có thể lên đến 60 triệu đồng tùy vào giá trị của hàng thật tương đương với hàng giả được bán ra.
Ngoài ra, người có hành vi buôn bán, sản xuất vé giả này còn có thể bị xử phạt với hình thức xử phạt là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất vé giả, và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi bán vé giả và buộc thu hồi tiêu hủy toàn bộ vé giả đang lưu thông trên thị trường.
Nếu hành vi sản xuất và buôn bán vé giả đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội thì chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị; tem giả, vé giả có mệnh giá tổng trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
Theo đó, để xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất và buôn bán vé giả thì phải xác định được một trong các yếu tố sau: khối lượng (số lượng, giá trị) của vé giả; khoản tiền thu lợi bất chính; yếu tố nhân thân của người thực hiện hành vi.
Ngoài ra, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư VÕ TRUNG TÍN
Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam