Mới đây, em T. (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc) bị mắc Covid-19 sau khi đi bê tráp cho một đám cưới ở Mão Điền, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Vào khu cách ly, em vẫn thường xuyên gọi cho gia đình, còn bạn bè thì ít hỏi thăm. Bản thân em rất ngại với mọi người và tâm lý cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Em bị đả kích rất nhiều từ dư luận với những lời nói không hay, đặc biệt từ xóm làng nơi em ở. Mọi người nói với hàm ý rằng vì chúng em đi bê cỗ mà đưa dịch bệnh về cho làng xóm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của dân làng. Giờ em có giải thích như thế nào cũng không được nên đành chấp nhận”, T. nói và lo lắng rằng mọi người cũng kỳ thị cả gia đình em.
Việc kỳ thị người mắc Covid-19 tuy chưa phổ biến nhưng đã xuất hiện thời gian qua, do đó, cần phải có biện pháp ngăn chặn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý không chỉ đối với người mắc bệnh mà còn đối với người có nguy cơ.
Sự kỳ thị có thể khiến nhiều người có xu hướng giấu các triệu chứng hoặc giấu bệnh, không tìm đến các biện pháp chăm sóc y tế. Vì vậy, sự kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 trở nên khó khăn hơn. Hình thức kỳ thị có thể bằng lời nói, cử chỉ, hành động đổ lỗi không chỉ đối với người mắc Covid-19 mà còn đối với người thân của họ. Hậu quả của hành vi kỳ thị sẽ làm suy giảm niềm tin, mất tình làng nghĩa xóm và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Không ai mong muốn mình bị mắc Covid-19 nên không thể đổ lỗi, trách móc hay kỳ thị với người không may mắc bệnh. Thay vào đó, hãy dành cho họ những lời động viên, an ủi và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết để cùng chiến thắng dịch Covid-19.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, có giải pháp phòng chống các hành vi kỳ thị, quy định cụ thể các chế tài xử lý về hành vi kỳ thị đối với người mắc Covid-19.