Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Sở KH-ĐT, UBND huyện Cẩm Xuyên và Công ty CP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương về đề xuất đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng 5 sao và khu vui chơi giải trí quốc tế Apec Mandala Wyndham Garden Cẩm Lĩnh. Khu đất đề xuất thực hiện dự án có phạm vi khá lớn, chủ yếu liên quan đến diện tích rừng phòng hộ xung yếu, địa hình dốc và tương đối phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn gây sạt lở cao và chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Cẩm Xuyên.
Mặt khác, khu vực này thuộc địa hình loại I, có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, cần ưu tiên dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, UBND tỉnh không có cơ sở để xem xét về đề xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy thép Vạn Lợi, do Công ty CP Gang Thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, diện tích 25,81ha tại Khu kinh tế Vũng Áng, có tổng mức vốn đầu tư ban đầu là hơn 1.700 tỷ đồng (gồm vốn của doanh nghiệp và vốn vay)…
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về các dự án đầu tư trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản giao Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, phân tích nhóm các dự án đầu tư theo tiến độ thực hiện và các vướng mắc, nguyên nhân; tham mưu đề xuất phương án giải quyết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9-2019.
Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, cùng với 12/24 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; một số dự án dù được sự hỗ trợ của UBND tỉnh vẫn không có động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động thì UBND tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động dự án. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xem xét chấm dứt hoạt động khoảng 12 dự án (bao gồm 5 dự án thuộc danh mục cần rà soát thu hồi; 7 dự án thuộc danh mục dự án cần giám sát đặc biệt, đôn đốc tiến độ thực hiện).
Tương tự, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 3 dự án chậm tiến độ, “ngâm đất”, với mục đích để tạo quỹ đất, nhằm thu hút các nhà đầu tư khác có tiềm lực hơn. Cụ thể, dự án Xây dựng cửa hàng xăng dầu EaTrol của Công ty CP Xăng dầu dầu khí Phú Yên; dự án Khu dịch vụ khách sạn nhà hàng Nam Hải của Công ty TNHH Nam Hải; dự án Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng của Công ty TNHH Chế biến gỗ xuất khẩu Phú Thịnh.
Ngoài ra, nhiều dự án du lịch khác cũng đang bị UBND tỉnh này ra “tối hậu thư”, như: Khu du lịch sinh thái Đá Bia, diện tích 50ha (khoảng 280 tỷ đồng); Khách sạn dịch vụ du lịch Hùng Dũng…, đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành tại địa phương trong thời gian tới cần theo dõi chặt chẽ, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm các dự án treo; tuyệt đối không để nhà đầu tư giữ đất, “ngâm đất” chuyển nhượng, trục lợi, gây thất thoát ngân sách, tài nguyên.