Xử lý dứt điểm nạn “cò khách”, “xe dù” tại sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 18-2, Tổ liên ngành TPHCM (gồm Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, An ninh sân bay, Thanh niên xung phong...) ra quân kiểm ra, xử lý tình trạng xe công nghệ, xe hợp đồng, taxi hoạt động lộn xộn ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (cả bên trong và bên ngoài sân bay). 
Thanh tra giao thông TPHCM xử lý một ô tô vi phạm giao thông trong sân bay Tân Sơn Nhất
Thanh tra giao thông TPHCM xử lý một ô tô vi phạm giao thông trong sân bay Tân Sơn Nhất

Phó đội trưởng Đội Thanh tra số 8 (Sở GTVT TPHCM) Phan Minh Hải cho biết, tình trạng xe công nghệ, xe hợp đồng, taxi hoạt động lộn xộn những ngày sau tết ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là do lượng hành khách dồn về sân bay cùng khung giờ quá đông.

Các hãng taxi, xe công nghệ hoạt động trong sân bay phải cam kết đủ số lượng xe trong các giai đoạn cao điểm, nhất là đảm bảo số lượng xe chở khách sau 21 giờ hàng ngày. Để thuận lợi hơn cho hành khách lên lầu 3, 4, 5 đón xe, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với nhà xe TCP cho các hãng xe công nghệ đưa xe vào làn D1 đón khách (khu vực bên trong nhà xe) thay vì phải đậu trên các tầng lầu cao. Theo đó, BeCar đón khách vị trí 1-5 của làn D1, GrabCar đón khách vị trí 6-12. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giao cho các đơn vị tại sân bay phối hợp với Công an TPHCM, Công an quận Tân Bình, Thanh tra giao thông xử lý dứt điểm nạn “cò khách”, “xe dù” trong hoạt động taxi, xe công nghệ trong và khu vực phụ cận sân bay Tân Sơn Nhất. 

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, việc quản lý khu vực phía trong sân bay thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đơn vị giám sát là Cảng vụ hàng không miền Nam. Tất cả việc sắp xếp bố trí hãng xe, lối ra/vào phương tiện đưa đón do 2 đơn vị này thực hiện. Các ngành của TPHCM và quận Tân Bình có nhiệm vụ xử lý vấn đề kẹt xe khu vực ngoài sân bay theo quy chế phối hợp liên ngành. 

Theo Sở GTVT TPHCM, Bộ GTVT đang triển khai xây thêm nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1 - hiện đã quá tải. Công trình dự kiến hoàn thành sau 37 tháng thi công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. TPHCM đã triển khai nhiều dự án giao thông xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và đường nối vào nhà ga T3. Sở GTVT TPHCM kiến nghị Bộ GTVT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng vụ Hàng không miền Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án, tăng năng lực thông quan với hành khách và hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

* Cùng ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đưa 2 tuyến xe buýt hoạt động trở lại phục vụ hành khách đi từ sân bay về trung tâm TPHCM và một tuyến về TP Vũng Tàu; ga đậu của 2 tuyến này ở ga quốc tế. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ga quốc tế ít đón khách nên các tuyến xe buýt cũng dừng hoạt động.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách đến và đi tăng đột biến từ ngày 3-2 (mùng 3 tết) và kéo dài đến rằm tháng Giêng (15 tết). Trong đó, cao điểm ngày 6-2, sân bay phục vụ hơn 100.000 khách dẫn đến vượt quá khả năng đáp ứng của taxi, ô tô công nghệ, khiến nhiều người phải chờ hàng giờ mới đón được xe về nhà. Từ nay trở đi, lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất giảm dần.

Tin cùng chuyên mục