Xử lý dứt điểm dự án BT dở dang

Loạt bài Khi dự án BT “mắc cạn” đăng trên Báo SGGP từ ngày 7 đến ngày 11-11 đã phản ánh cơ bản về thực trạng các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao): lúc đầu vui vẻ và suôn sẻ nhưng về sau thì dở dang! Từ đó, nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa và chẳng đặng đừng phải kiện UBND tỉnh, thành nơi có dự án ra tòa để đòi quyền lợi.

Qua loạt bài cho thấy, các dự án BT đều hết sức cần thiết, việc đầu tư là đúng đắn, đem lại lợi ích cho người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Chẳng hạn, ở một dự án rất dân sinh là đường ĐT 647 kết nối 2 vùng đất miền núi Gia Lai và Phú Yên, lâu nay, bà con đồng bào Ba Na ở 2 huyện giáp ranh Kông Chro (Gia Lai) và Đồng Xuân (Phú Yên) qua lại phải đi rất xa, hoặc phải đi vòng qua tỉnh Bình Định lên đèo An Khê, hoặc lội bộ vượt rừng cả ngày đường.

Nếu như tuyến đường xong sớm ngày nào, không chỉ xóa bỏ sự nhọc nhằn lưu thông của bà con, mà còn thông thương thúc đẩy phát triển kinh tế. Hay như tại Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT cũng được hứa hẹn góp phần tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, mang lại lợi ích, ý nghĩa rất to lớn.

Vấn đề đặt ra là các dự án BT ý nghĩa, cần thiết là vậy nhưng vì sao lại có những trường hợp nhà đầu tư kéo chính quyền ra tòa để phân định đúng sai? Điều này thật dễ hiểu, thỏa thuận ban đầu được thống nhất nên hai bên đặt bút ký hợp đồng, nhưng quá trình triển khai thì thanh toán không đúng như ký kết.

Chủ đầu tư là doanh nghiệp, khi thực hiện dự án phải huy động vốn, phải trả lãi hàng ngày, nhưng khi hợp đồng bị vi phạm, chủ đầu tư không được thanh toán kịp thời, phải đối mặt với cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Tòa án là nơi bấu víu cuối cùng!

Thật ra, phần lớn các dự án thực hiện theo hợp đồng BT “mắc cạn” thường đến từ việc thanh toán bằng quỹ đất; chính quyền địa phương e ngại việc thanh toán theo hợp đồng ký kết trước đây dễ bị quy trách nhiệm vì “bán rẻ” quỹ đất, gây thất thoát tài sản.

Tuy nhiên, việc “né trách nhiệm” sẽ để lại hậu quả nặng nề. Bởi vì khi tòa xử bên chính quyền thua kiện thì lãi vay phát sinh, giá vật tư tăng, dẫn đến công trình đội vốn sẽ phải lấy ngân sách bù đắp, mà ngân sách chính là tiền thuế của dân. Lúc này không chỉ mang tiếng là bội tín với nhà đầu tư mà phải gánh toàn bộ thiệt hại.

Làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án đầu tư theo hợp đồng BT dang dở? Việc đầu tiên phải tiến hành rà soát tổng thể, sau đó phân loại các vướng mắc, rồi tập trung giải quyết dứt điểm càng nhanh càng tốt. Điều này đòi hỏi Chính phủ có giải pháp đủ mạnh hoặc Quốc hội có nghị quyết riêng, ấn định thời gian cụ thể.

Trong trường hợp dự án được cố tình kéo rê thì phải sớm tiến hành thanh tra, điều tra để truy tìm nguyên nhân, quy trách nhiệm. Việc xử lý phải ổn thỏa, các dự án phục vụ quốc kế dân sinh sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng cũng đừng để niềm tin của nhà đầu tư bị sứt mẻ, dẫn tới việc kêu gọi đầu tư mai sau khó khăn hơn.

Phải khẳng định, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng BT là thiết thực. Nhưng trên thực tế cũng có phát sinh mâu thuẫn, ngân sách không đủ mạnh để “bao sân” các công trình hạ tầng, một số chính quyền ở địa phương sợ bị quy trách nhiệm vì gây thất thoát tài sản; còn khi mời gọi nhà đầu tư thì nếu không có lời, sẽ không ai tham gia.

Do đó, khi Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo đối tác công - tư cần phải khắc phục điểm nghẽn nêu trên, từ đó sẽ khơi thông được một nguồn lực đầu tư lớn góp phần thúc đẩy đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Tin cùng chuyên mục