Sau khi Luật PCCC có hiệu lực, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi lập, phê duyệt đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và xây dựng công trình đã chú ý kết hợp các nội dung liên quan bảo đảm công tác PCCC. Từ năm 2014-2018, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc đã xem xét thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Bức xúc trước thực trạng này, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) đã đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, là vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật PCCC vẫn còn rất nhiều công trình chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc có thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC vẫn đưa vào sử dụng. Theo bà Hạnh, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng này? Có phải do sự buông lỏng quản lý hay do thủ tục quá rườm rà, hoặc do chủ doanh nghiệp cố tình chây ỳ, lách luật? Liệu rằng, hàng ngàn công nhân lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình, dự án đó có được bảo đảm an toàn?
“Cả nước còn 2.662 công trình và 110 chung cư, nhà cao tầng được đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) cho rằng đây là việc “đáng báo động” về tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về PCCC. Đồng thời kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm đối với các chủ đầu tư, công khai các công trình vi phạm về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Cũng cần xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC.
Trước những bất cập, tồn tại trong công tác PCCC, mới đây, sau khi làm việc với Chính phủ cũng như tổ chức, các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương và các cơ quan, đơn vị, cơ sở trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đoàn giám sát của Quốc hội đã đề xuất Chính phủ có lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng các công trình đưa vào sử dụng khi chưa có thẩm định, nghiệm thu về PCCC. Đoàn cũng đề nghị xử lý nghiêm các công trình, khu chung cư cao tầng vi phạm quy định pháp luật về PCCC; đồng thời xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm.
Đặc biệt, với riêng Bộ Xây dựng, đoàn giám sát đã kiến nghị bộ này tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng, nhất là đối với các công trình cao tầng, công trình ngầm, công trình có yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC; tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Kiên quyết không cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động đối với công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu; kịp thời đình chỉ hoạt động xây dựng khi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về PCCC.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, bảo đảm tính thống nhất giữa xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông trong tổng thể quy hoạch đáp ứng yêu cầu PCCC.