Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên: Nhân văn, nhưng phải đảm bảo tính răn đe

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 23-10 cho rằng, quy định như dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) hiện nay liên quan việc NCTN vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội khác trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng có thể chưa khắc phục được hạn chế của tình trạng coi thường pháp luật và gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng nhiều quy định trong dự thảo luật chưa đảm bảo tính phòng ngừa chung đối với xã hội
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng nhiều quy định trong dự thảo luật chưa đảm bảo tính phòng ngừa chung đối với xã hội

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo tại phiên họp của Quốc hội sáng 23-10 về Luật Tư pháp NCTN, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ nên tập trung quy định về xử lý chuyển hướng (thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý NCTN phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội - PV) và một số vấn đề có tính chất nguyên tắc về tội phạm, hình phạt.

Theo UBTVQH, với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp NCTN thì 2 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong luật này, tạo cơ sở cho việc thiết kế các nguyên tắc, chính sách, biện pháp xử lý, hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện phù hợp với đặc điểm của NCTN.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đề cập đến các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người phạm tội là NCTN.

LÊ MINH TRÍ .jpeg
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí lắng nghe các ý kiến thảo luận

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) bày tỏ chưa đồng tình với quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét, xử lý vụ án NCTN đã đủ 18 tuổi. ĐB cho rằng quy định này không phù hợp với tâm sinh lý lúc NCTN phạm tội. “Ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã phải xác định điều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng và tuổi của người phạm tội phải tính từ lúc đó”, ông nói.

Từ một khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lo lắng vì tình trạng phạm tội của NCTN ngày càng gia tăng. Theo ĐB, nếu không có quy định chặt chẽ mà áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quá nhiều thì tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

“Cần quy định một số loại tội phạm không được áp dụng xử lý chuyển hướng; cũng như bổ sung điều kiện để được áp dụng như ăn năn, hối lỗi, nhận thức được hành vi sai trái; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại… để thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự”, ĐB Tạo bình luận.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cũng băn khoăn về một số quy định như “người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng phạm tội mới chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mới” (Điều 58 dự thảo luật); NCTN chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ chỉ bị xem xét gia hạn hoặc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng hoặc đình chỉ thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tiếp tục phạm tội (Điều 82)…

HỘI TRƯỜNG .jpeg
ĐB Quốc hội dự họp

“Những quy định nêu trên là chưa đảm bảo tính phòng ngừa chung đối với xã hội. Và việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự bức xúc của người bị hại và gia đình họ”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm.

Vẫn theo ĐB Hạnh, Điều 38 dự thảo quy định về trường hợp được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ xác định theo độ tuổi, mức độ tội phạm, không xác định theo tội danh cụ thể. Điều 39 dự thảo lại chỉ quy định một số ít hành vi tội phạm không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, dẫn đến nhiều tội phạm dù mang tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn có khả năng được phi tội phạm hóa, nếu NCTN được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Điều 106 giải quyết trường hợp có việc tang, theo đó, một trong những điều kiện giải quyết cho NCTN về gia đình là thân nhân gia đình có đơn xin bảo lãnh. Tuy nhiên, khi hết thời gian được về gia đình, NCTN trốn thì cũng chỉ quy định hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm mà không quy định chế tài nào đối với thân nhân gia đình hay bản thân NCTN vi phạm cam kết.

Theo ĐB, quy định như vậy là không phù hợp, không đủ nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

“Đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự, một người bị kết án tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo. Nếu trong thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng nguyên tắc tương tự khi NCTN vi phạm nghĩa vụ hay phạm tội khác”, ĐB Hồng Hạnh nói.

Tin cùng chuyên mục