Ưu tiên công nghệ hiện đại
Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 9.000-12.000 tấn CTRSH. Trong số này, hơn 70% vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, mô hình xử lý này ảnh hưởng mỹ quan đô thị khi chi phí cao, tốn quỹ đất.
Trong khi đó, định hướng của TPHCM trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hướng đến quản lý môi trường xanh, ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh. Để thực hiện mục tiêu này, sở sẽ tiếp tục hướng dẫn các quận huyện, TP Thủ Đức triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn theo 2 nhóm; xây dựng và hướng dẫn triển khai các mô hình phân loại, thu gom tại nguồn kết hợp tái chế chất thải. Xây dựng các công trình xử lý CTRSH, công nghiệp, y tế. Ngoài ra, sở cũng định hướng đầu tư các trạm trung chuyển CTRSH theo công nghệ ép rác khép kín, có trang bị thiết bị xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; đấu thầu chọn nhà đầu tư cải tạo các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải và đầu tư 2 nhà máy xử lý CTRSH với công suất xử lý mỗi nhà máy 1.000 tấn/ngày.
Với khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi năng lượng, công nghệ đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu của thế giới hiện nay. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết đây là xu hướng phát triển tất yếu. Ở các nước, chính quyền thường có chính sách khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn để giảm nhân công phân loại khi đưa nguyên liệu này vào các nhà máy đốt. Ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu làm tốt khâu phân loại rác thải ngay tại nguồn thì việc xử lý sẽ giảm được nhiều áp lực hơn.
Hướng tới mô hình khép kín
Để quản lý hiệu quả CTRSH theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn. Cụ thể, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; các hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.
Đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, dự kiến trong năm 2021, bộ sẽ sửa đổi QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTRSH theo hướng ban hành chung một Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải công nghiệp, trong đó có quy định về khí thải lò đốt CTRSH. Các quy định kỹ thuật về lò đốt CTRSH sẽ được ban hành chung trong một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải, bao gồm lò đốt chất thải công nghiệp và lò đốt chất thải rắn y tế.
Về lâu dài, Bộ TN-MT nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và áp dụng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải. Từ đó, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cũng sẽ phối hợp với các đơn vị để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ; chung cư kết hợp với văn phòng; tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp; quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với quy định của pháp luật; tăng cường áp dụng, triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc xử lý, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc xử lý, tái chế rơm, rạ sau thu hoạch; xây dựng tiêu chí đấu thầu và hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đấu thầu tập trung, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.