Sáng 20-9, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp với Viện KSND, TAND, Công an tỉnh, Sở NN-PTNT, Hạt kiểm lâm tỉnh và chính quyền huyện An Lão để nghe báo cáo, giải trình của các cơ quan chức năng về việc để mất gần 61ha rừng tự nhiên tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (An Lão). Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh thừa nhận đây là vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng, diện tích rừng bị tàn phá là rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng
Xử lý, kiểm điểm cán bộ để “mất rừng”
Như đã thông tin, diện tích rừng bị tàn phá ở Bình Định thực tế là 60,9ha chứ không như báo cáo ban đầu 43,7ha (hồi đầu tháng 8). Vùng rừng bị tàn phá nằm giáp ranh giữa 3 huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) và huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo SGGP tại hiện trường, các đối tượng đã tàn phá rừng có tổ chức từ 4 đến 5 tháng trước đó, nhiều thân cây gỗ bị cưa hạ có đường kính 10 - 35cm, số lớn hơn 40 - 70cm. Sau khi phát hiện rừng bị tàn phá, tỉnh Bình Định đã huy động mọi lực lượng vào cuộc để điều tra. Trong khi đó báo cáo UBND tỉnh Bình Định mới đây lại nêu: rừng gỗ tự nhiên, lá rộng nghèo là 38ha; rừng gỗ tự nhiên lá rộng trung bình 22,8ha nuôi trở thành rừng phòng hộ.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Tôi đề nghị tất cả các cơ quan liên quan phải làm kiên quyết, làm cho rõ để xử lý theo đúng quy định. Tất cả cán bộ nào liên quan đến vụ việc này đều xử lý nghiêm túc. Ai chủ mưu, cầm đầu thực hiện vụ phá rừng này thì phải làm cho ra. Trước mắt, tập trung xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện An Lão, Hoài Nhơn, kể cả Chi cục Kiểm lâm. Đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; tạm đình chỉ công tác đối với Kiểm lâm phụ trách địa bàn của xã An Hưng (huyện An Lão). Kiểm điểm trách nhiệm đối với hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão”.
Đối với Chủ tịch UBND huyện An Lão, Chủ tịch UBND xã An Hưng, Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh. Ông Dũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm trong công tác phối hợp bảo vệ rừng đối với Hạt kiểm lâm Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn).
“Từ nay nếu huyện nào để xảy ra các vụ phá rừng lớn tương tự thì sẽ cách chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đó chứ không chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong…”, ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.
Siết chặt, lập chốt “đóng cửa” rừng
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã ra quyết định khởi tố vụ án đồng thời chuyển hồ sơ qua Viện KSND tỉnh và công an tỉnh để tiếp tục công tác điều tra, tố tụng. Tỉnh Bình Định yêu cầu tăng cường thêm lực lượng bảo vệ rừng, lập thêm các chốt chặn tại cửa rừng ở các huyện trọng điểm như: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn. Đây là những huyện còn nhiều rừng, cần thiết lập các chốt chặn, trực 24/24 giờ.
Hiện trường vụ tàn phá 61ha rừng tại khoảnh 7 và khoảnh 8, xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định)
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết thêm: “Trong thời gian tới đây tôi yêu cầu Chi cục Kiểm lâm phải chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thường xuyên theo dõi các doanh nghiệp chế biến sản suất gỗ trên địa bàn, siết chặt các xưởng sản xuất gỗ trên địa bàn. Gỗ nào cũng phải xem xét, điều tra nguồn gốc từ đâu ra. Phải có giấy tờ hóa đơn xuất xứ, nguồn gốc. Nếu hạt nào để gỗ lậu ở trong xưởng gỗ mà không biết phải cắt chức hạt trưởng”. Ông Dũng yêu cầu Sở NN-PTNT cùng phối hợp với Sở TT-MT phải triển khai ngay kế hoạch giao đất, giao rừng cho các ban quản lý rừng phòng hộ, cho các tổ chức và người dân, để các chủ rừng tự bảo vệ.
Đối với Sở Tài chính, bằng mọi cách phải huy động vốn để tăng cường kinh phí bảo vệ rừng cho các địa bàn trọng điểm An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân. Từ nay đến ngày 30-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng sẽ có báo cáo kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ. “Từ nay địa phương nào để xảy ra mất rừng thì cứ kỷ luật từ chủ tịch UBND huyện. Trước hết, trong ngày mai phải xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện An Lão về việc để mất rừng…”, ông Hồ Quốc Dũng kết luận.