Những “con nợ khó đòi”
Giữa tháng 7-2007, cơ quan BHXH TPHCM đã lập một danh sách gồm 39 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài nợ BHXH với tổng số tiền trên 39 tỷ đồng gửi Sở LĐTB-XH đề nghị xử lý.
Trong danh sách, có thể thấy rất nhiều công ty đã quá “quen mặt” do thành tích nợ đọng nhiều năm. Điển hình có thể kể đến Công ty TNHH Sản xuất giày dép Kwangnam (quận Phú Nhuận), nợ hơn 2,8 tỷ đồng từ tháng 10-2003, Công ty TNHH Dệt Hanshin Vina nợ hơn 650 triệu đồng từ tháng 1-2001, Công ty TNHH Kaiser nợ 386 triệu đồng từ tháng 10-2002, Liên hiệp Công nghiệp Saeyoung nợ hơn 2,3 tỷ đồng từ tháng 9-2003…
Nhiều doanh nghiệp có thời gian nợ ngắn hơn nhưng do lượng lao động nhiều nên tổng số nợ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động nên đã xảy ra đình công như Công ty Giày Anjin (quận Bình Tân, 956 lao động, nợ trên 4,1 tỷ đồng từ tháng 1-2006), Công ty Top Royal Flash Việt Nam (quận 8, 654 lao động, nợ 2,1 tỷ đồng từ tháng 1-2006).
Đó mới là kể riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy chưa có con số thống kê chính xác nhưng tổng số tiền mà các DN trên địa bàn TP nợ BHXH vẫn tăng lên hàng năm do nợ cũ phát sinh và xuất hiện thêm DN nợ mới. Trong khi đó, khả năng “đòi được nợ” từ phía doanh nghiệp của BHXH TP hiện rất hạn chế và số DN chịu móc hầu bao để trả nợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Kiểm tra: kham không nổi
Hiện tại, quy trình xử lý DN nợ BHXH được tiến hành qua các bước: Đầu tiên, cơ quan BHXH TP lập danh sách chuyển qua Sở LĐTB-XH. Do không đủ nhân lực để tiến hành đến tận nơi kiểm tra nên thanh tra sở sẽ mời lần lượt các chủ DN lên làm việc, yêu cầu xác định thời gian truy nộp với BHXH TP. Quá hạn, nếu DN vẫn không thanh toán nợ thì mới tiến hành xử phạt.
Anh Trịnh Duy Đới, thanh tra viên Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết: “DN nào khi được chúng tôi mời lên cũng hứa sẽ trả đủ số nợ nhưng rồi chẳng thấy trả. Một thời gian dài, cả bộ phận thanh tra chỉ có 5 người mà phải bao quát cả mảng an toàn lao động và nhiều công tác khác nên kham không xuể. Nếu ngày nào cũng bỏ thời gian đi kiểm tra BHXH thì cả năm cùng lắm chỉ đi được 300 công ty, trong khi mỗi năm toàn thành phố có thêm khoảng 1.000 doanh nghiệp mới”.
Xử lý: không “ép phê”
Theo Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ban hành ngày 16-4-2004, mức phạt áp dụng đối với các chủ sử dụng lao động không đóng BHXH chỉ trong khoảng từ 500 ngàn đến 20 triệu đồng/lần phạt. Thêm vào đó, quy định 1 năm chỉ được kiểm tra, xử phạt mỗi doanh nghiệp 1 lần đã khiến nhiều doanh nghiệp “lờn thuốc”. Sau bước xử phạt, Sở LĐTB-XH không còn “hình phạt” nào cao hơn, chỉ còn cách chờ đến năm sau để… phạt tiếp.
Rất nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt nhiều lần mà không chịu trả nợ vì tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với tiền nợ. Điển hình như Công ty Huê Phong (Gò Vấp) nợ BHXH từ trước năm 2000, bị kiểm tra, xử phạt nhiều lần vẫn không thanh toán. Chỉ đến khi UBND thành phố ra quyết định kiên quyết xử lý mới chấp nhận truy đóng đủ 5,2 tỷ đồng trong tháng 7- 2007
Một biện pháp khác để “đòi nợ” BHXH là người lao động trực tiếp khởi kiện chủ DN ra tòa. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình nhiêu khê. Cách đây vài năm, 200 công nhân Công ty Reeyoung đã kiện chủ doanh nghiệp ra tòa vì nợ BHXH. Theo nguyên tắc, tòa án đã chia ra làm… 200 vụ kiện và lần lượt mời từng công nhân lên làm việc với chủ doanh nghiệp. Nếu đi đủ các bước hòa giải, sơ thẩm, phúc thẩm mất hơn cả năm trời mới giải quyết xong. Sau đó, công ty trên cũng giải thể.
Để buộc các DN tích cực trong giải quyết nợ đọng, BHXH TP vẫn đang áp dụng biện pháp không cho DN đóng BHXH đối với số công nhân mới nếu chưa trả xong nợ cũ. Đây chưa phải là giải pháp tối ưu vì cuối cùng người thiệt thòi vẫn là công nhân.
Theo ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nợ BHXH là phải có sự phối hợp từ phía ngân hàng. Điều 7 Nghị định 113 và Luật BHXH mới đã cho phép cơ quan chức năng có quyền yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản DN để chuyển đóng BHXH cho người lao động. Thế nhưng, phía ngân hàng lại chưa chịu thực hiện với lý do Luật Ngân hàng không có quy định này. Người lao động mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu, tránh tình trạng xử lý theo kiểu “con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào”.
Đoàn Mai Hương