Sự quá tải này đã phát sinh một lượng lớn bùn thải đô thị chưa được xử lý, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Lượng bùn từ xử lý nước thải có thể hướng tới thu hồi năng lượng Ảnh: THÀNH TRÍ
Nguồn thải nhiều, thiếu xử lý
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế 890.000m³/ngày đêm. Đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 50 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 2 triệu m³/ngày đêm đi vào vận hành. Số lượng nhà máy xử lý nhiều sẽ góp phần lớn trong việc xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra một thách thức đó là lượng bùn cần xử lý ở các nhà máy. Bên cạnh đó, cả nước cũng có trên 80% hộ gia đình có các công trình vệ sinh và bể tự hoại. Việc thu gom bùn thải từ mạng lưới thoát nước và thông hút từ bể tự hoại đã được triển khai tại nhiều đô thị. Khối lượng bùn thải phát sinh từ mạng lưới thoát nước được nạo vét, thu gom và vận chuyển đến bãi chôn lấp chất thải. Bùn thải của nhà máy nước thải hiện nhiều nơi xử lý theo công nghệ ủ hiếu khí để chế biến thành phân hữu cơ. Bùn thải từ bể tự hoại được thu gom bằng xe chuyên dụng để chuyển tới nơi xử lý và xử lý bằng phương pháp sinh học hiếu khí tự nhiên và sản phẩm có thể làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ hoặc đổ thẳng ra bãi chôn lấp hoặc ra hồ ao, sông ngòi không những làm ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Riêng tại TPHCM, số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, thành phố phát sinh lượng bùn thải các loại khoảng 3.000 - 4.000m3/ngày, tương đương 5.000 - 6.000 tấn/ngày. Cụ thể, bùn thải từ hệ thống cống rãnh 450.000 - 700.000 tấn/năm, bùn thải kênh rạch 2 - 3 triệu m3/năm; bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt 30 - 40 tấn/ngày, dự kiến tăng lên 500 tấn/ngày; bùn thải từ bể tự hoại 30 - 50 tấn/ngày. Lượng bùn thải trên địa bàn TPHCM ngày một tăng; trong khi các biện pháp xử lý bùn thải hiện nay chưa triệt để, chưa đảm bảo an toàn về yếu tố môi trường và không đáp ứng được khối lượng bùn thải ngày một lớn của thành phố. Mặt khác, thành phố vẫn chưa có quy định về việc xử lý các loại bùn thải tại địa bàn, cũng như chưa có khu xử lý bùn thải nào hoạt động một cách đúng nghĩa. Các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tìm thấy được giải pháp khả thi để mạnh dạn thực hiện đầu tư.
Bà Phan Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho rằng việc tìm công nghệ xử lý triệt để bùn thải vẫn còn là trăn trở đối với nhiều cấp ngành bởi cho tới nay, bùn thải chưa qua xử lý hoặc được xử lý bằng các công nghệ thủ công lạc hậu, đang được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư, lựa chọn công nghệ, công tác quản lý vận hành, nhận thức của cộng đồng và kể cả những hạn chế, bất cập của các khung chính sách đang là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Việc tìm các phương pháp để xử lý bùn hiệu quả, ít sử dụng năng lượng, giảm chi phí vận hành, bảo trì và có thể tái sử dụng năng lượng vẫn là mối quan tâm lớn hiện nay.
Các công nghệ xử lý
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc kỹ thuật, Tập đoàn Veolia Water, cho biết về xử lý nước thải và xử lý bùn, Veolia Water đã thay đổi cách suy nghĩ về quy trình xử lý khi trước đây chỉ chú trọng xử lý nước thải và giảm thiểu bùn thải, thì hiện tại và tương lai quy trình xử lý với tiêu chuẩn cao hơn sẽ giúp tái sử dụng nước thải, tối đa hóa quá trình sản xuất bùn, thu hồi được tài nguyên bền vững có thể tái sinh. So với quy trình xử lý nước thải truyền thống, nhà máy xử lý nước thải được thiết kế để thu hồi năng lượng sẽ có tổng khối lượng bùn cao hơn 50%, khả năng sản xuất khí sinh học cao hơn 60% - 70% và lượng bánh bùn thải ra cuối cùng thấp hơn 25% - 30% sau khi phân hủy. Với công nghệ phân hủy kỵ khí sẽ giúp việc tái xử lý bùn được triệt để hơn. Theo ông Phạm Huy Hoàng, bằng cách chuyển hóa bùn thành năng lượng sẽ giúp công ty bù lại chi phí vận hành của nhà máy xử lý nước thải. Thiết kế của Veolia Water làm giảm tối thiểu lượng bùn sinh ra trong toàn bộ quá trình xử lý nước nhờ quá trình chiết xuất. Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Phạm Huy Hoàng cho biết hiện nay giá xử lý bùn thải khoảng 35 Eur (66,5 USD)/m3. Đơn giá này được xem là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ việc bao tiêu sản phẩm đầu ra từ việc xử lý bùn thải. Đó là thị trường tiêu thụ và giá mua các loại sản phẩm này.
Tương tự, ông Vũ Đăng Trình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Việt, chia sẻ hiện nhu cầu về quản lý và xử lý bùn thải ngày càng lớn do lượng chất thải xả ra môi trường ngày càng nhiều; bao gồm bùn thải công nghiệp, mỏ khoáng sản, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm đô thị, ao hồ, kênh mương... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và đời sống con người. Tập đoàn Hưng Việt đã đưa ra giải pháp tách nước nhằm chứa các chất bùn thải và tách nước giữ lại chất rắn bên trong với giá thành thấp. Nước thải thoát ra có thể được xả trực tiếp vào môi trường. Quá trình tách nước trải qua 3 công đoạn. Cụ thể, bùn thải sau nạo vét được bơm vào ống thông qua các lỗ mở và kết hợp cùng một số chất xúc tác làm cho chất rắn liên kết lại với nhau và nước được tách ra. Công đoạn thứ hai là nước tách từ bùn được chảy qua bề mặt ống. Hơn 99% lượng bùn sẽ được cô đọng lại. Nước tách từ bùn được thu lại và luân chuyển tuần hoàn qua hệ thống hoặc được xả ra sông ngòi và công đoạn cuối là cố kết. Chất rắn được giữ lại trong túi, tùy vào loại bùn thải mà khối lượng có thể giảm đến 90%. Sau 4 -6 tuần, bùn trong ống sẽ khô lại và các ống Geotube được cắt ra, chất rắn trong ống được di chuyển đổ thải, san lấp hoặc có thể tái sử dụng làm loại vật liệu mới. Cũng theo ông Trình, công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm diện tích chiếm dụng mặt bằng, giảm đáng kể vấn đề về mùi ảnh hưởng đến môi trường không khí và đặc biệt là tiết kiệm chi phí rất lớn (do có thể tách nước tại chỗ nên giảm yêu cầu vận chuyển và kho bãi).