Theo đó, để tồn tại và giữ được thị phần tiêu thụ, doanh nghiệp đã liên minh tạo thành các chuỗi sản xuất xanh, đồng thời thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện và an toàn hơn cho môi trường.
Đa dạng mô hình liên kết xanh
Theo nhìn nhận của các chuyên gia môi trường, đây là hình thức liên kết phổ biến mà tập đoàn đa quốc gia, có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu đang thực hiện.
Ngoài đẩy mạnh phát triển nội lực kinh tế, các doanh nghiệp này đã đầu tư những khoản chi phí khổng lồ nghiên cứu các giải pháp, để ngày càng xanh hóa quy trình sản xuất cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong hệ thống chuỗi cung ứng cùng phát triển xanh.
Ông Craig Buggholz, Giám đốc truyền thông Tập đoàn P&G, cho biết doanh nghiệp dành khoản kinh phí lên đến hơn 1.500 triệu USD để thực hiện nghiên cứu giảm thiểu, tiến tới loại bỏ nhựa trong quá trình sản xuất và đóng gói sản phẩm.
Ở phạm vi liên kết rộng, tập đoàn đã quản lý chất thải nhựa một cách hiệu quả và bền vững với mục tiêu tái sử dụng 100% chất thải nhựa, giảm tối thiểu 50% lượng rác thải nhựa vào năm 2027, tái chế rác thải nhựa thành nhựa đường…
Bên cạnh đó, công ty cũng kết hợp với Tập đoàn SCG và nhiều doanh nghiệp khác hỗ trợ các cơ quan quản lý địa phương, tổ chức phi chính phủ phát triển hệ thống bẫy rác, ngăn chất thải xâm nhập từ sông ngòi vào đại dương và nghiên cứu cách khai thác thêm giá trị từ chất thải được thu gom.
Đại diện Tập đoàn SCG còn cộng tác với các doanh nghiệp như Tesco Lotus, CP All, MAKRO, CPN, Family Mart, Villa Market, Super Cheap, CJ Express và AEON (Thái Lan)… để tái chế các hộp đựng và giấy đã qua sử dụng, giới thiệu bao bì dễ tái chế cũng như thúc đẩy thiết kế bao bì thân thiện với cộng đồng và môi trường.
Nỗ lực cùng quốc tế “xanh hóa” sản xuất
Có thể thấy nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mang tính cách mạng, thách thức toàn bộ thói quen truyền thống trong sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, việc phổ biến rộng mô hình này cho phép hệ thống kinh tế toàn cầu sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Do vậy, theo ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm CEO của Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững thế giới, để nhân rộng và quảng bá khái niệm này trong cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ các nước cần bắt đầu xây dựng ý thức trong đội ngũ quản lý và nhân viên, hướng tới một mục tiêu chung. Cùng lúc đó, tất cả các khu vực công, tư cũng cần nhìn nhận vấn đề và chung tay cùng nhau để thay đổi thế giới.
Cùng tham dự hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam cũng chia sẻ, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cam kết bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải với các nước, tổ chức môi trường trên thế giới.
Trong đó, đặc biệt từ năm 2018 đến nay Việt Nam triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu lên vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lương thực của thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm vận động cộng đồng giảm thiểu sử dụng cũng như phát thải rác thải nhựa ra môi trường, góp phần giảm nguy cơ suy thoái hệ sinh thái biển.
Về hoạt động sản xuất, Bộ TN-MT đã thành lập và gia tăng nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, tăng năng lực xử lý, tái chế cũng như giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Không dừng lại đó, các bộ ngành liên quan cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những rào cản kỹ thuật môi trường mà các thị trường thế giới đặt ra.
Từ đó, giúp doanh nghiệp chủ động trong hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, hướng đến phát triển bền vững, thân thiện, an toàn với môi trường hơn.
Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu hiệu quả vấn nạn ô nhiễm môi trường, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần thiết phải bắt tay để hành động giảm thiểu chất thải ô nhiễm.
Trong đó, tăng cường khả năng tái chế để xử lý hiệu quả chất thải phát sinh trong phạm vi quốc gia của mình và rộng hơn là liên kết cùng các nước trong khu vực. Song song đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.
Trên thực tế, ASEAN là một khu vực gặp nhiều thách thức vì các nền kinh tế tại đây vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhằm nâng cao đời sống của người dân. Mặt khác, khu vực này cũng là trung tâm sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới. Thực trạng này dẫn tới sự thiếu hụt tài nguyên. Việc ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy hoạt động tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên. Ứng dụng này sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, do đó tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm lượng khí thải carbon, dẫn tới nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng. |