Kinh doanh sản phẩm chất lượng
Dạo một vòng quanh các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM sẽ thấy, các nhà bán lẻ đều chú trọng phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu... đạt những chứng nhận như VietGAP hoặc tiêu chuẩn của chính nhà bán lẻ đưa ra cho đơn vị sản xuất. Quan trọng hơn, người tiêu dùng rất tin tưởng và hầu như chỉ lựa chọn sản phẩm có chứng nhận an toàn để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.
Bà Lê Thị Hoa, khách hàng đang chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.opXtra Vạn Hạnh (quận 10, TPHCM), cho hay để an toàn cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình mình, tiêu chí đầu tiên mà bà lựa chọn thực phẩm là phải an toàn. Chính vì thế, các điểm bán như siêu thị hoặc cửa hàng đại lý là địa chỉ tìm đến khi đi mua sắm, nhằm có thể mua được các sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc VietGAP...
Trong một chia sẻ gần đây, đại diện của Saigon Co.op cho biết, để thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, thịt... đến tay người tiêu dùng an toàn chất lượng, doanh nghiệp này thường xuyên luân phiên lấy mẫu thử ngẫu nhiên để kiểm tra xem có đáp ứng các tiêu chí mà nhà cung cấp đã cam kết hay không. Trường hợp có bất thường, siêu thị sẽ lập tức thu hồi sản phẩm đó, không đưa ra thị trường. Việc làm này tuy tốn kém về thời gian và tiền bạc nhưng vì quyền lợi, an toàn của người tiêu dùng, cũng như uy tín của nhà bán lẻ nên đơn vị này luôn ưu tiên thực hiện.
Trong cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì thực hiện và công bố hồi cuối tháng 2-2019 vừa qua, có tới 90% người tiêu dùng nhận định rằng, “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như ISO, VietGAP, GlobalGAP... sẽ giúp họ yên tâm hơn khi mua sử dụng”. Cuộc khảo sát này còn chỉ ra yếu tố chất lượng và tính an toàn khi sử dụng là 2 tiêu chí được người tiêu dùng hiện nay quan tâm hơn cả. Điều này cho thấy, khi các doanh nghiệp muốn chinh phục người tiêu dùng Việt thì phải chú trọng đến việc áp dụng các chứng chỉ này để đưa vào quy chuẩn sản xuất hàng chất lượng trước khi đưa ra thị trường.
Không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm
Trên thực tế, xu hướng này của người tiêu dùng đã được rất nhiều đơn vị sản xuất tại TPHCM, nhất là các đơn vị sản xuất hàng thực phẩm nắm bắt thông qua việc thay đổi quy trình sản xuất để làm ra những mặt hàng chất lượng, an toàn vệ sinh trong thời gian qua. Đơn cử với mặt hàng thịt heo, theo Công ty Vissan, thịt heo mà đơn vị này thu mua từ các trang trại, hộ nông dân đều đạt tiêu chuẩn VietGAP; trong quá trình sản xuất cũng đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Đồng thời, ngoài phân phối tại siêu thị, Vissan còn trực tiếp mở cửa hàng riêng trên khắp cả nước để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Mới đây, doanh nghiệp này còn đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên trong chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp Vissan Premium tại quận 1, TPHCM.
Như chia sẻ của nhiều doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nếu không thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “đưa chất lượng ngon và sạch lên hàng đầu” thì rất khó cạnh tranh được trên thị trường. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Sân chơi này mới mở ra, nhưng cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt Nam không bắt kịp với xu thế này.
Nhận định về những thay đổi từ thói quen mua sắm cho tới sự thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, sản xuất thực phẩm ngon và sạch là xu hướng đang được các nhà sản xuất quan tâm đầu tư vì nhu cầu của người tiêu dùng không ngừng đòi hỏi. Bên cạnh đó, đã là thực phẩm thì hàng hóa phải là sản phẩm chất lượng và an toàn vệ sinh. Vì thế, sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh là tiêu chí bắt buộc đã được các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp của TPHCM triển khai thực hiện.
Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp 369 giấy chứng nhận vào chuỗi giá trị nông sản cho 230 đơn vị (trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh) của các tỉnh với tổng sản lượng hơn 165.310 tấn/năm, 7,88 triệu lít nước mắm/năm tham gia thị trường thành phố. Trong đó, 53 giấy chứng nhận chuỗi sản phẩm thực vật với sản lượng 65.484 tấn/năm, bao gồm 52.851 tấn rau củ quả, 12.573 tấn trái cây, 60 tấn trà. Các sản phẩm tham gia chuỗi này được gắn logo chuỗi thực phẩm an toàn trước khi đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu. |