Theo một báo cáo vừa được công bố, trên toàn thế giới, máy điều hòa không khí thải ra 2 tỷ tấn CO2/năm. Tại Singapore, lượng CO2 do máy điều hòa không khí thải ra chiếm gần 20% lượng khí thải cả nước. Một máy điều hòa không khí tiêu chuẩn 2kW, sử dụng trong 20 ngày, sẽ tạo ra 1,4 tấn khí thải/năm.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, khí nhà kính và hoạt động của con người có thể khiến các vùng nhiệt đới ngày càng trở nên nóng hơn. Sự nóng lên toàn cầu có khả năng làm tăng nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á từ 1,6-3,0°C vào năm 2100. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến 1 tỷ người ở châu Á chịu những đợt nắng nóng có thể gây tử vong vào năm 2050 và việc sử dụng điều hòa sẽ trở thành vấn đề sống còn.
Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, các văn phòng và không gian công cộng như rạp chiếu phim và trung tâm thương mại được làm mát đến mức mọi người cảm thấy lạnh. Đặc biệt là những nước đô thị hóa như Singapore, nơi nhiều tòa nhà có hệ thống làm mát được thiết kế với công suất vượt quá gần 40%. Việc này có thể gây ra sóng nhiệt (một giai đoạn thời tiết nóng quá mức) hoặc sự cố thiết bị. Hơn nữa, nhiều nơi thường xuyên không điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với thời tiết bên ngoài, dẫn đến việc người ở bên trong phải mặc áo khoác, trong khi ngoài trời không quá nóng. Đó là sự lãng phí năng lượng không cần thiết. Nhiệt thải của điều hòa không khí cũng làm tăng thêm đảo nhiệt đô thị - hiệu ứng khiến một số khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với khu vực ngoại ô. Điều này lại thúc đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, tạo nên vòng luẩn quẩn.
Hơn 80% người dân Singapore sở hữu một thiết bị điều hòa, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia hay Philippines chỉ là 10%. Nhu cầu làm mát tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa của khu vực, mức sử dụng năng lượng của các hộ gia đình ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 64% vào năm 2040, chỉ riêng với máy điều hòa nhiệt độ. Do hiện tại, khoảng 75% năng lượng của Đông Nam Á vẫn đến từ những nguồn không thể tái tạo nên việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của điều hòa không khí sẽ không thực sự bền vững. Việc sử dụng chất làm lạnh HFC, một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất thế giới, trong các thiết bị này sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nồng độ của chúng trong khí quyển đang tăng vọt khi ngày càng nhiều thiết bị điều hòa không khí được tung ra thị trường châu Á.
Để tìm giải pháp khắc phục, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển các thiết bị xoay chiều sử dụng nước thay vì chất làm lạnh HFC, tiêu thụ ít hơn khoảng 40% điện năng. Với sự hợp tác của các kỹ sư từ NUS, một doanh nghiệp đã phát triển loại máy điều hòa không khí chạy bằng năng lượng mặt trời. Các ống chân không chứa dung dịch hấp thụ năng lượng mặt trời và nhiệt xung quanh, khai thác chúng thay cho điện năng để nén khí làm lạnh. Điều này không chỉ có nghĩa là lượng khí thải carbon thấp hơn, hóa đơn tiền điện về lâu dài cũng sẽ giảm. Các công ty khác như Starhub và NCS Singtel cũng đã tham gia cuộc đua sản xuất máy điều hòa không khí chạy năng lượng mặt trời phù hợp cho gia đình, gồm các hệ thống treo tường và các tùy chọn di động.