Với công suất khiêm tốn 1MW, công trình bao gồm 3.972 tấm pin năng lượng mặt trời bao phủ trên 11.000 m2 mặt nước này được đánh giá cao ở vai trò tiên phong trong việc thu hút đầu tư vào loại hình năng lượng sạch. Dự kiến trong vòng 2 tháng tới, nhà máy tương tự thứ 2 với công suất 2,5 MW sẽ được khánh thành. Tổng đầu tư cho 2 công trình thí điểm này là 14,5 triệu USD.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết mục tiêu trước mắt của Chính phủ Brazil là lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại các kênh dẫn nước ra sông San Francisco, con sông lớn nhất tại vùng khô hạn Đông Bắc. Ngoài việc sản xuất điện, các tấm pin này dự kiến cũng giúp làm giảm tốc độ bay hơi nước tại vùng đất khô nóng này. Còn tại công trình Sobradinho, mỗi tấm pin được đặt cố định ở vị trí tương quan với lòng sông bằng dây cáp và được đặt trên một vật liệu giữ nổi có thể chịu tải trọng của cả chính tấm pin và sức nặng của 1 đến 2 công nhân thực hiện công tác lắp đặt, sửa chữa và bảo trì.
Những năm gần đây, nhiều nước đã áp dụng công nghệ sản xuất ngay trên mặt nước của sông hồ và cả trên mặt biển. Ngoài Australia - nơi lắp đặt nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới, công nghệ pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt nước đã được quan tâm phát triển tại Anh, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc...Đặc biệt ở Nhật Bản, kể từ năm 2011, Nhật Bản chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời với xu hướng thiên về các nhà máy sử dụng công nghệ quang điện và lắp đặt trên mặt nước. Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều trung tâm năng lượng mặt trời khắp cả nước với mục tiêu thay thế tất cả nhà máy nhiệt điện bằng năng lượng mặt trời cho đến năm 2027.