
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, giá xăng dầu leo thang... việc sử dụng nhiên liệu sạch đang là một vấn đề được đặt ra tại Việt Nam. Hãng Honda đã giới thiệu xe máy nhiên liệu sạch tại Hà Nội cách đây 2 năm. Xe gắn máy “Hybrid LPG/xăng” cũng đang được thử nghiệm. Sử dụng ô tô, xe máy nhiên liệu sạch đang là xu hướng chung của thế giới.
- Nhiên liệu sạch ngày càng được ưa chuộng

Chiếc Civic Hybrid đang được ưa chuộng trên thế giới. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Năm 1995, Toyota quyết định tạo một cuộc cách mạng với dòng xe Hybrid, dòng xe sử dụng năng lượng tổ hợp nhiên liệu và điện. Tháng 10-1997, những chiếc xe Prius đầu tiên trên thế giới đã xuất xưởng và có mặt trên thị trường. Toyota lại một lần nữa lao vào cuộc tăng công suất lên 2.000 chiếc/tháng, gấp đôi công suất bình thường... Prius giờ đây có thể xem là chiếc xe hoàn hảo.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Prius là vấn đề giá, khách hàng cho rằng, 20.000 USD cho một chiếc xe là quá đắt. Và giai đoạn này đến lượt bộ phận marketing vào cuộc. Thành công cuối cùng cũng đến: Khoảng 12.000 chiếc Prius được bán ra trong giai đoạn này. Tại Nhật, doanh số còn hơn cả những gì Toyota mơ đến, vì người Nhật không mấy quan tâm đến giá cả. Tiết kiệm nhiên liệu và giảm đến hơn 80% lượng khí thải so với xe thông thường, Prius trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng Nhật. Chỉ sau 3 năm sản xuất, Toyota đã thu hồi được 57% vốn đầu tư cho Prius.
Các thương hiệu nổi tiếng khác cũng nhập cuộc. General Motors, Mercedes-Benz, Ford, Nissan không ngừng tăng tốc trong cuộc đua với Hybrid. Để bảo vệ vị trí tiên phong của mình, Toyota không ngừng cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện mẫu mã và hạ giá thành. Bên cạnh đó, trong năm nay, hàng loạt các mẫu xe Hybrid đời mới được đưa ra thị trường thế giới như: Nissan Altima 2007, Honda Civic Hybrid, BMW Hybrid SUV, BMW X5 Hybrid, Ford Escape Hybrid...
- Xe gắn máy “sạch” chạy bằng khí hóa lỏng LPG ở Việt Nam
Trước những thành công về xe sử dụng nhiên liệu sạch trên thế giới, Việt Nam cũng đang có ứng dụng với khí hóa lỏng LPG. LPG thu được từ quá trình lọc dầu hay tinh luyện khí thiên nhiên. LPG trước đây được sử dụng chủ yếu để đun nấu, sưởi, sấy và cấp nhiệt cho các quá trình công nghiệp. Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, do tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, LPG được sử dụng như nhiên liệu thay thế để chạy phương tiện cơ giới. So với các loại nhiên liệu khí khác, LPG có áp suất hóa lỏng thấp nên dễ dàng lưu trữ trên phương tiện giao thông vận tải.
Khả năng gia tốc và tính kinh tế của xe khi chạy bằng LPG có thể điều chỉnh được bằng cách thay đổi độ chân không tại họng thông qua: 1) Thay đổi độ mở bướm gió hoặc 2) Điều chỉnh sức căng lò xo đóng mở van. Người quen điều khiển phương tiện có thể lắp bộ phụ kiện theo phương án (1), khi đó suất tiêu hao nhiên liệu của xe giảm đáng kể (1kg LPG chạy được 100-120km).
Người chưa thông thạo thì nên sử dụng phương án (2), trong điều kiện gia tốc xe có thể chấp nhận được, suất tiêu hao nhiên liệu của xe cao hơn (1 kg LPG chạy được khoảng 80-90km). Tính trung bình xe 100cc chạy 90km hết 1kg LPG hay 2 lít xăng. Nếu tính giá xăng hiện nay 11.500 đồng/lít thì khi chạy bằng LPG, người sử dụng tiết kiệm được khoảng 40% chi phí nhiên liệu.
Sử dụng xe gắn máy “sạch” kiểu Hybrid LPG/xăng là giải pháp hữu hiệu làm giảm ô nhiễm môi trường không khí ở đô thị và giảm sự lệ thuộc vào xăng dầu thế giới. Với giải pháp này, chúng ta có thể siết chặt thêm các quy định về mức độ phát thải ô nhiễm của phương tiện cơ giới và làm giảm bớt sự tác động của sự biến động về giá xăng dầu trên thị trường thế giới đối với đời sống của người lao động trong nước.
NGỌC MINH