Bài viết mang tựa đề “Oublier Pékin” (tạm dịch là “Thoát Trung”) nhận định: Đa số các tập đoàn CAC40 của Pháp đang chủ trương giảm đầu tư vào thị trường lớn thứ 2 thế giới với chiến lược “Trung Quốc +1”, có nghĩa là luôn luôn có sẵn phương án thay thế về nguồn cung hoặc khách hàng. Nếu không phải là Trung Quốc, thì sẽ là một quốc gia khác, như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam.
Một phần nguyên nhân thúc đẩy xu hướng này là áp lực của đại dịch Covid-19. Sự khăng khăng của Bắc Kinh đối với chiến lược “không Covid” - tiếp tục làm gián đoạn hoạt động sản xuất và hậu cần - đã làm gia tăng thêm sự lo lắng của các công ty về việc kinh doanh ở Trung Quốc. Không những thế, nhân khẩu học của Trung Quốc cho thấy nguồn lao động tiềm năng đang bị thu hẹp và khi quốc gia này leo lên hàng trung bình về thu nhập toàn cầu, lao động càng trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh giữ thái độ căng thẳng đối với phương Tây và duy trì quan hệ mật thiết với Moscow cũng khiến các nhà điều hành công ty lo lắng rằng họ có thể bị ảnh hưởng phe phái chính trị trong cuộc xung đột toàn cầu.
Giờ đây, hầu hết các công ty đang bắt đầu kết bạn và phương Tây bắt đầu làm quen với “friendshoring” - chuyển hoạt động kinh doanh sang các “quốc gia thân thiện”, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Ấn Độ và Việt Nam, hoặc các quốc gia có truyền thống là đồng minh.
Bộ tứ an ninh (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) có thể sẽ tự định vị mình như một trung tâm giao lưu thân thiện. Thật vậy, tại hội nghị thượng đỉnh về chuỗi cung ứng vào tháng 7 do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tổ chức, những người được mời không chỉ bao gồm đại diện châu Âu mà còn có các quan chức cấp cao từ Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Theo tờ Foreign Policy, hoạt động giao lưu quốc gia thân thiện cần có sự tham gia của nhiều quốc gia, vì không quốc gia nào có thể một mình thay thế “nhà máy của thế giới”.