Tại Hội chợ Đồ chơi New York tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, các công ty chuyên sản xuất đồ chơi như Mattel, Hasbro và LEGO công bố những thay đổi lớn, với việc hướng tới sản xuất đồ chơi trẻ em xanh và sạch. Đồng thời các công ty nhỏ hơn và mới hơn cũng cố gắng sản xuất đồ chơi không gây hại môi trường ngay từ khi khởi nghiệp.
Maddie Michalik, biên tập viên cao cấp của tạp chí Toy Insider, cho biết: “Các công ty lớn đang cố gắng bảo vệ môi trường hơn, bằng cách hạn chế sử dụng các loại nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch trong các sản phẩm mới. Còn giáo sư Tensie Whelan, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh bền vững thuộc Đại học New York, nhấn mạnh: “Thế hệ chúng tôi là 60 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Mỹ từng chơi với khoảng 90% đồ chơi bằng nhựa. Các sản phẩm này đều có vấn đề về hóa chất, xử lý chất thải và chuỗi cung ứng xã hội. Vì vậy, có rất nhiều việc cần phải được giải quyết triệt để”.
Sản xuất đồ chơi cho trẻ em hiện tại đòi hỏi một cách tiếp cận rất khác so với khoảng 10 năm trước, bởi trẻ em thế hệ Alpha (trẻ em sinh từ 2010-2025) có ý thức về sinh thái nhiều hơn so với trước đây. Một báo cáo năm 2019 của Công ty Quảng cáo, tư vấn và công nghệ toàn cầu Wunderman Thompson cho biết, có 63% trẻ em thế hệ Alpha khi chúng trưởng thành muốn làm việc ở mọi nơi để cứu hành tinh.
Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Công ty Mattel sản xuất búp bê Barbie và nhiều dòng đồ chơi phổ biến khác đã đưa ra các cam kết nghiêm túc về tính bền vững. Người phát ngôn Scott Shaffstall nói với AP về một số dòng sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa sinh học và nhựa thực vật. Ông tuyên bố rằng, Mattel đang nghiên cứu các loại bao bì thân thiện với môi trường hơn bằng cách sử dụng 93% vật liệu tái chế. Một “người khổng lồ” khác trên thị trường đồ chơi toàn cầu là LEGO cũng có kế hoạch sản xuất 100% bao bì xanh vào năm 2025 và sử dụng nhựa từ thực vật cho một số sản phẩm, đặc biệt là trong bộ LEGO Treehouse.
“Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là tạo ra một sản phẩm không gây hại môi trường”, Phó chủ tịch về môi trường của LEGO Tim Brooks nhấn mạnh. Từ năm 2015, tập đoàn đồ chơi này đã đầu tư vào một trung tâm vật liệu bền vững mới chuyên nghiên cứu các vật liệu sản xuất bao bì và khối gạch giúp đáp ứng mục tiêu tạo ra các sản phẩm LEGO từ các vật liệu bền vững vào năm 2030.
Các công ty nhỏ hơn và trẻ hơn như BiOBUDDi tuyên bố sẽ tránh hoàn toàn các loại nhựa truyền thống ngay từ đầu. Bị thúc đẩy bởi những lo ngại của con gái về môi trường, Steven van Bommel đã thành lập công ty này để sản xuất đồ chơi, phát minh ra vật liệu sinh học mới không có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Những công ty khác cố gắng xử lý chất thải bằng cách tái sử dụng các vật liệu, như hãng Green Toys tuyên bố, các sản phẩm của họ được tái chế 100% với tiêu chí đồ chơi xanh và sạch; không chỉ là vật liệu hoặc bao bì bên ngoài, mà nội dung bên trong phải giúp trẻ em hiểu rằng, chúng nên chơi với đồ chơi không bị vứt đi sau một vài lần sử dụng.