Theo báo Korea Times, trong 3 năm qua, đã có gần 800.000 cá nhân đăng ký chương trình bằng cách ký di chúc y khoa trước, về việc từ chối điều trị duy trì sự sống trong trường hợp bị bệnh nan y, không có cơ hội hồi phục. Khoảng 88% người đăng ký trên 60 tuổi. Họ sợ phải nhận sự chăm sóc cuối đời “vô nghĩa” khi nằm hôn mê trong phòng chăm sóc đặc biệt, không có khả năng thể hiện mong muốn của bản thân.
Luật an tử chỉ áp dụng với người đã bước sang giai đoạn cận kề cái chết và không có cơ hội phục hồi. Theo đó, những bệnh nhân này sẽ được phép từ chối phương pháp hồi sức tim phổi, thở máy, lọc thận và điều trị ung thư. Tuy nhiên, họ phải ký di chúc y khoa, văn bản xác nhận từ chối các biện pháp hỗ trợ bằng máy móc khi bệnh nặng. Hoặc, bệnh nhân phải có chỉ định của hai bác sĩ, sự chấp thuận của ủy ban y đức tại cơ sở y tế và gia đình. Bất kỳ ai trên 19 tuổi đều có thể đăng ký tham gia luật này và cũng có thể rút lại bất kỳ lúc nào.
Vào thời điểm trước khi luật được thông qua, nhà phê bình và các nhóm tôn giáo Hàn Quốc chỉ trích quyết định này, cho rằng nó thiếu tôn trọng sự sống và đi ngược lại các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, người cao tuổi lại ủng hộ. Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy, 90% người Hàn Quốc trên tuổi 65 tuổi không muốn điều trị kéo dài sự sống, nếu họ biết mình mắc bệnh nan y.
Khái niệm về cái chết với người Hàn Quốc đang trở nên thực tế hơn. Đối mặt với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng và tỷ lệ tự sát cao ở người già, giới chức Hàn Quốc đã cố gắng giới thiệu khái niệm an tử trong những năm gần đây để khuyến khích người cao tuổi cởi mở hơn, với chủ đề từng được coi là điều cấm kỵ. Thậm chí, việc đề cập đến an tử còn được giới thiệu nhiều trên truyền hình, điều không thể thấy vào nhiều năm trước đây. Vài năm qua, người cao tuổi Hàn Quốc còn tham gia hình thức đám tang giả như nằm trong chiếc hộp giống quan tài…
Kim Myung-hee, người đứng đầu Viện Chính sách Đạo đức Sinh học quốc gia Hàn Quốc cho biết, có rất nhiều lý do khiến chương trình thu hút được sự chú ý rộng rãi của công chúng. Nó phản ánh mối quan tâm không quá đột ngột của công chúng đối với quyền an tử. Đối với những người đang cân nhắc hoặc dự định ký trước di chúc y khoa, bà Kim đưa ra lời khuyên nên thận trọng khi đưa ra quyết định “sinh tử”. Bà chia sẻ: “Điều quan trọng là khi nghĩ về cái chết trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đó là kết thúc không thể tránh khỏi của cuộc sống, và cách chúng ta muốn chuẩn bị cho nó”. Ngoài ra, nên thảo luận kỹ lưỡng với các thành viên trong gia đình, người thân hoặc bạn bè, vì họ sẽ tham gia sâu vào việc thực hiện các hành động tiếp theo.