Người trẻ Trung Quốc ưa chuộng đọc sách điện tử và sách nói vì tiện lợi. Tuy phát triển muộn hơn sách điện tử, nhưng sách nói đang chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa đọc của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ứng dụng cung cấp sách nói phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện là Ximalaya FM, thu hút gần 500 triệu người đăng ký sau gần 8 năm hoạt động. Độc giả trung thành với sách nói cho biết, họ sẽ tận dụng được thời gian khi vừa thưởng thức một tác phẩm văn học, vừa có thể làm được công việc khác.
Trong mùa dịch bệnh này, ngoài sách nói, nhu cầu về sách điện tử và đặt sách trực tuyến ở quốc gia này cũng tăng mạnh. Để khuyến khích người dân đọc sách trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã phát hành voucher điện tử trị giá hàng triệu nhân dân tệ cho người dân.
Tính riêng tại TP Nam Kinh, trong tháng 3 năm nay, số voucher chuyển đến người dân địa phương có tổng trị giá lên đến 7 triệu nhân dân tệ (gần 1 triệu USD). Số voucher này được sử dụng tại 198 hiệu sách trên toàn thành phố. Sau khi số voucher được phát hành, trong dịp Tết Thanh minh đầu tháng 4, số lượng người mua sách tăng vọt. Mức doanh thu của các nhà sách chạm mốc kỷ lục 1 triệu nhân dân tệ (150.000 USD).
Ngoài mở rộng gian trưng bày sách ảo trên trang mạng, một số nhà xuất bản đã hợp tác với các nhà sách để quảng cáo tác phẩm mới thông qua hình thức live streaming (phát trực tiếp). Các buổi giới thiệu sách liên tục được cập nhật trên mạng khiến nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ rất hưởng ứng. Các buổi live streaming còn là cơ hội để các tác giả có thể giao lưu và tiếp cận gần hơn với độc giả theo hình thức tương tác nhanh.
Để thuận tiện cho việc giao sách, khoảng 72 nhà sách tại Bắc Kinh kết hợp với các đơn vị giao hàng nhanh đưa sách đến tay độc giả chỉ trong 30 phút. Còn tại Nam Kinh, một số nhà sách mở rộng hình thức mượn sách trực tuyến. Sách đến tay độc giả và có thể quay trở lại nhà sách theo thời gian đăng ký. Người đọc chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ là được thưởng thức tác phẩm mình yêu thích.
Theo giới xuất bản sách của Trung Quốc, trong vài tháng gần đây, số đầu sách tiêu thụ nhiều nhất là lối sống, khoa học, y khoa. Xu hướng này cho thấy, độc giả Trung Quốc đang có sự thay đổi trong việc chọn sách trong mùa dịch bệnh. Thời gian trước đây, đầu sách được lựa chọn nhiều nhất là văn học tình yêu, tiếp theo là lối sống, lịch sử và tâm lý học. Đối với các dạng đọc kỹ thuật số, những câu chuyện tình yêu thành thị phổ biến nhất, theo sau là lịch sử/quân sự, văn học cổ điển và khoa học viễn tưởng.