Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang trở thành động lực chính thúc đẩy địa chính trị toàn cầu. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang nổi lên như khu vực tranh chấp chính. Mỹ và Trung Quốc phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế mới, duy trì lập trường cứng rắn và tìm cách đưa các nước trong khu vực vào phạm vi ảnh hưởng của mình.
Một số điểm nóng vẫn tồn tại ở Biển Đông, biển Hoa Đông. Các không gian hàng hải đang bị quân sự hóa. Bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có khả năng lỡ thời hạn năm 2022. ASEAN lo ngại vai trò trung tâm của tổ chức có thể bị suy giảm khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ nóng lên. Tuy đối nghịch nhưng 2 nước vẫn liên kết chặt chẽ với nhau về mặt kinh tế.
Châu Âu: Đối mặt nhiều thách thức
Phương Tây phải đối mặt với một loạt vấn đề. Nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang diễn ra nhưng chưa thành. Sự khác biệt về quan điểm giữa Trung Quốc và châu Âu làm dấy lên nghi ngờ về Bắc Kinh ở châu Âu, nhưng lại không thể dứt bỏ mối quan hệ với một đối tác kinh tế và công nghệ. Việc một số nước châu Âu cố gắng tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng khiến Trung Quốc không hài lòng.
Bước sang năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với nhiệm vụ làm rõ hơn nữa chính sách đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu đang bị phân tâm bởi Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương Tây ngày càng căng thẳng với Nga và Ukraine có thể trở thành tâm điểm của châu Âu nếu tình hình không được xử lý một cách thận trọng.
Giá điện ở châu Âu tăng chóng mặt, ảnh hưởng nặng nề đến người dân ở châu lục này. Năng lượng trở thành yếu tố quan trọng trong quan hệ EU - Nga. Châu Âu có thể tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng điều này sẽ không dễ dàng.
Tây Á: Khủng hoảng tiếp diễn
Trong những năm qua, Tây Á đã trải qua nhiều biến đổi về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, các vấn đề quan trọng vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2022 như hạt nhân Iran, xung đột Syria và chiến tranh ở Yemen. Lebanon cũng đang trong tình trạng bất ổn. Nền kinh tế Iran đang lao đao vì các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, Tehran khó có thể đạt được thỏa hiệp đáng kể trong vấn đề hạt nhân. Iran đang tìm cách tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Nga để chống lại sức ép của phương Tây. Xu hướng này sẽ tiếp diễn. Không có dấu hiệu tan băng giữa các quốc gia vùng Vịnh và Iran trong các vấn đề chính; sự thù địch giữa họ và Israel có thể sẽ tiếp tục…
Nam Á: Khó khăn về kinh tế và chính trị
Taliban đang ra sức củng cố quyền lực ở Afghanistan. Dù đến nay vẫn chưa có quốc gia nào công nhận chính quyền Taliban, nhưng một số quốc gia như Trung Quốc, Pakistan, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp bình thường hóa quyền kiểm soát của tổ chức này. Liên hiệp quốc đã đưa ra khoản hỗ trợ 6 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo. Mỹ cũng đang cân nhắc việc viện trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Pakistan có thể bất ổn hơn trong thời gian tới. Nền kinh tế vốn đã nặng gánh nợ nần nay càng phải chịu thêm nhiều áp lực. Lạm phát ở mức hai con số và đồng rupee suy yếu. Pakistan đang cần các nguồn vốn bên ngoài và nằm trong danh sách đen của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc có khả năng vẫn tiếp diễn mặc dù 2 nước tiếp tục các cuộc đàm phán quân sự và chính trị. Các điểm nóng mới có thể xuất hiện. Sự trở lại của Taliban ở Afghanistan là một vấn đề đáng lo ngại đối với Ấn Độ vì điều này có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.