Sáng 18-2, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu triển lãm “Drinktec 2025” với chủ đề chính được truyền tải tới các doanh nghiệp của Việt Nam là: “Ngành đồ uống và thực phẩm dạng lỏng tăng trưởng mạnh – nhu cầu toàn cầu đối với máy móc đạt mức kỷ lục”.

Tại sự kiện, ông Richard Clemens, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Máy chế biến thực phẩm và đóng gói thuộc Hiệp hội Kỹ thuật cơ khí VDMA (Đức), cho biết, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu đang phát triển mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, với áp lực về giá cả, sự đổi mới sản phẩm liên tục và vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu suất, tăng tính linh hoạt và tối ưu hóa quy trình sản xuất bền vững đang thúc đẩy nhu cầu đối với máy móc.
Theo số liệu của VDMA, thương mại toàn cầu về máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói đã liên tục tăng trưởng, đạt kỷ lục 52,6 tỷ Euro vào năm 2023. Trong giai đoạn 2014-2023, tổng giá trị thương mại quốc tế của ngành đạt 428 tỷ Euro, tăng 46%.
Trong đó, châu Âu hiện là thị trường tiêu thụ máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói lớn nhất thế giới, chiếm 41% thị phần. Châu Á đứng thứ hai với 19%, tiếp theo là Bắc Mỹ (18%), Trung Đông - châu Phi (10%), Mỹ Latinh (9%)... Ý, Đức và Trung Quốc là 3 quốc gia cung cấp máy móc lớn nhất thế giới.
Việt Nam là thị trường nhập khẩu đáng chú ý. Riêng năm 2023, tổng giá trị máy móc nhập khẩu vào Việt Nam đạt 517 triệu Euro, trong đó hơn một nửa đến từ Trung Quốc. Ý đứng thứ hai với 50 triệu Euro, tiếp theo là Nhật Bản (44 triệu Euro), Hàn Quốc (43 triệu Euro) và Đức (32 triệu Euro).
Trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu máy móc chế biến thực phẩm và đóng gói từ châu Âu sang Việt Nam đã tăng 27%, đạt 130 triệu Euro. Riêng Đức chiếm gần một nửa số máy móc xuất khẩu vào Việt Nam.

Drinktec 2025, dự kiến tổ chức tại TP Munich (Đức) từ ngày 15-9 đến 19-9, là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới.
Ông Markus Kosak, Giám đốc Điều hành chuỗi triển lãm Drinktec, cho biết Drinktec 2025 tiếp tục là nơi giới thiệu toàn diện các giải pháp sản xuất, đóng gói, nguyên liệu thô và công nghệ tiên tiến phục vụ ngành đồ uống và thực phẩm lỏng toàn cầu, thu hút doanh nghiệp từ khoảng 60 quốc gia.
Trong bối cảnh thị trường liên tục thay đổi buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng, đại diện VDMA cho rằng, hiện người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam khẳng định, xu hướng hiện nay của thị trường đồ uống và nước giải khát tại Việt Nam là người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm ít đường, không đường…
“Các loại nước ngọt có ga đang đối mặt với nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe và các chính sách hướng đến hạn chế tiêu dùng loại sản phẩm này. Người tiêu dùng có xu hướng chi nhiều hơn cho sản phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, có nguồn gốc từ tự nhiên, ít đường, ít calo, không cồn…”, ông Nguyễn Văn Việt phát biểu.
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trong năm 2024, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4.400 triệu lít (chỉ xấp xỉ năm 2022), trong khi nước giải khát là 4,658 tỷ lít, tăng 4,8% so với năm 2023. Trong khi đó, VDMA cho biết Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong Top 10 thị trường đồ uống lớn nhất châu Á. Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ nước giải khát tại Việt Nam đạt gần 6 tỷ lít và dự kiến sẽ tăng 28% vào năm 2028.