Theo cơ quan tìm kiếm việc làm En Japan ở Tokyo, số lượng công chức tìm được việc làm tại các công ty khởi nghiệp thông qua các trang giới thiệu việc làm của cơ quan này tăng gấp 4 lần trong vòng 2 năm, tính đến hết năm tài chính 2022 vừa qua. Số lượng thay đổi nghề nghiệp từ khu vực công sang công ty khởi nghiệp đã tăng gấp 7 lần đối với những người ở độ tuổi 30 và gấp 3 lần đối với những người ở độ tuổi 40-50.
Trong khi đó, tờ Nikkei Asia dẫn số liệu của Cơ quan Nhân sự quốc gia cho biết, Nhật Bản có tổng cộng 3,4 triệu nhân viên chính quyền trung ương và địa phương, bao gồm cả giáo viên và cảnh sát. Trong số các quan chức ưu tú được chính quyền trung ương tuyển dụng trong năm tài chính 2016, có 10% đã nghỉ việc sau khi làm việc chưa đầy 5 năm, tăng 5% so với những người được tuyển dụng trong năm tài chính 2013.
Theo En Japan, một yếu tố thu hút các quan chức đến với các công ty khởi nghiệp là mức lương cao hơn, với 43% người mới được thuê nhận thấy mức lương tăng sau khi thay đổi công việc, chỉ có 36% cho biết mức lương bị giảm. Bên cạnh mức lương cao hơn, các công ty khởi nghiệp đang trở nên phổ biến và thu hút giới công chức hơn một phần ở mục tiêu giải quyết các thách thức xã hội. Một cuộc khảo sát khác cho thấy, 80% công chức muốn làm việc cho các công ty khởi nghiệp đã xem sứ mệnh xã hội của công ty là lý do chính để họ chọn.
Anh Tatsufumi Asayama, 30 tuổi, một quan chức chính phủ đã từ giã sự nghiệp công chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại để gia nhập công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Yuimedi, có trụ sở tại Tokyo, vào năm 2022. Khi còn ở Bộ Kinh tế, Thương mại, anh đã giúp các công ty Nhật Bản mở rộng quan hệ làm ăn với các đối tác ở các nước châu Á khác. Nhưng tại Yuimedi hiện nay, anh làm việc chuẩn hóa các dữ liệu chăm sóc sức khỏe để giúp ngành dược phẩm và những ngành có liên quan khác tiến hành các nghiên cứu hiệu quả hơn.
Anh chia sẻ, khi còn là quan chức, anh không thể tham gia vào các hoạt động thực hành. Còn hiện nay, anh được tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội. Theo số liệu của Initial, một nhà cung cấp thông tin và phân tích khởi nghiệp, có gần 30% trong số 2.000 công ty khởi nghiệp đã gọi vốn từ quỹ đầu tư trong năm 2022, theo đuổi 10 lĩnh vực gắn liền với phát triển xã hội như giáo dục, môi trường, nông nghiệp và dược phẩm.
Mặc dù vậy, các công ty khởi nghiệp lại không hấp dẫn đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Theo Công ty Truyền thông xã hội Penmark ở Tokyo, chỉ có 2% sinh viên đại học có kế hoạch tìm kiếm các vị trí mới khởi nghiệp, thấp hơn nhiều so với 9% muốn làm việc cho các cơ quan chính quyền cấp quốc gia và thành phố hoặc các tổ chức công. Theo giới chuyên gia, nếu cuộc “di cư một chiều” của công chức tiếp tục sẽ có thể làm suy giảm sinh lực của các cơ quan công quyền từ cấp địa phương.