Những đồi quế trơ gốc vì lũ cuốn. Những cây cầu tạm đu đưa theo nhịp chân người. Đường đi bao nhiêu trắc trở và đầy hiểm họa. Có đoạn, anh em dân quân địa phương yêu cầu đoàn nhanh chân vì nguy cơ lũ ống đang về. Chỉ tay về đống bùn non hình chiếc nón úp, anh Hồ Văn Đố, một dân quân địa phương, nói: “Đường này có nhiều điểm sạt lở. Trời đang mưa nên rất dễ có lũ ống. Nếu gặp lũ ống thì xác định trôi cùng nhau”. Anh Đố cùng nhiều dân quân là những người tuyến đầu giúp dân trong trận lũ quét vừa qua, cũng là người lội bộ vượt rừng cõng hàng từ Phước Kim về Phước Thành cho người dân nên thuộc từng đoạn đường, biết ở đâu có hiểm họa rình rập. Trên cung đường hiểm trở này, chỉ sẩy chân là không toàn mạng.
Mưa lớn, từ đầu nguồn, dòng nước đục ngầu ầm ào đổ xuống theo lối lũ quét vừa qua. Trong tích tắc ngập đến đầu gối. Dòng chảy xiết xô chúng tôi suýt ngã nhào. Người dân xung quanh tháo chạy và hô lớn “Chạy. Chạy. Lũ ống. Lũ ống…”. Chúng tôi kịp níu tay nhau chạy thoát…
Mưa càng lúc càng nặng hạt. Tiếng nước đổ ầm ào, tiếng đá rơi ầm ầm không khác cảnh mấy bộ phim 3D là mấy. Trụ điện trước trụ sở UBND xã Phước Thành bị dòng nước quật ngã. Tiếng loa vang khắp nơi. Người dân tháo chạy về trụ sở UBND xã tránh trú.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, chỉ tay về đoạn tường rào ngã đổ chừng 2m, cho biết: “Chiều 28-10, khi lũ ống kéo đến, bà con gào khóc chạy tán loạn, tôi đã cho anh em đập tường rào để bà con chạy lên trụ sở tránh trú kịp thời. Trước kia, mỗi khi dự báo mưa bão chúng tôi sơ tán dân rất khó khăn, thậm chí có người phải khiêng đi. Bây giờ, chỉ cần mưa lớn, đá rơi là người dân tự động chạy lên trụ sở xã. Họ đã quá sợ sau trận lũ quét vừa qua. Khủng khiếp chưa từng có”.
Lần đầu trong đời tôi nghe tiếng rơi của những tảng đá lớn vang cả núi rừng. Lũ ống xô chân mình mới hiểu hết sự khủng khiếp của mẹ thiên nhiên nổi giận. Đêm, trụ sở UBND xã Phước Thành chật kín. Một manh chiếu, tấm chăn bông, bà con nằm co ro trong cái lạnh thấu xương.
Lũ quét “xóa sổ” làng 2, xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Bốn bề núi lở. Đường ống dẫn nước từ suối bị phá hủy, người dân phải hứng nước mưa dùng. Điện lưới hư hỏng hoàn toàn. Xăng khan hiếm, UBND xã chỉ phát điện vài giờ vào buổi tối để mọi người kịp sạc pin, điện thoại. Sóng điện thoại chập chờn vì nhà mạng chỉ nổ máy phát sóng vài giờ trong ngày.
Tất cả, chỉ còn lại xót xa!