Khao khát có con
Những người ở xóm trọ này đã phải chạy vạy nhiều nơi để có thể có một đứa con. Uống thuốc đông y, đi chùa cầu tự, hay điều trị hiếm muộn tại bệnh viện ở địa phương không kết quả, họ tìm đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để được khám, xét nghiệm và điều trị hiếm muộn, kiên trì chờ đợi được có con. Những người khá giả thì thuê khách sạn hoặc mướn nhà để ở trong thời gian ở lại thành phố, còn những người tìm đến xóm trọ này đều có hoàn cảnh nghèo khó, đành chấp nhận cảnh sống tạm bợ, kham khổ, để đỡ tốn kém nhiều chi phí lưu trú.
Trên con đường gian khó, có không ít người phải bỏ cuộc bởi chi phí cho hành trình “cầu tự” mất rất nhiều thời gian và đắt đỏ. Nhiều gia đình phải bán đất, bán nhà, bán hết tài sản để có thể tiếp tục nuôi hy vọng. Nhiều cặp vợ chồng vào TPHCM điều trị hiếm muộn, ở đây một thời gian vẫn chưa có tin vui nên chồng phải về để tiếp tục lo kiếm tiền, vợ ở lại xóm trọ một mình dè sẻn chi tiêu, khắc khoải chờ ngày điều trị thành công.
Kết hôn năm 22 tuổi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liễu (ở tỉnh Bình Định) nuôi hy vọng sẽ sớm có con cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng sau 2 năm chung sống không thụ thai, hai vợ chồng lo lắng chạy chữa khắp trong Nam ngoài Bắc. Nghe ai mách phương thuốc gì chị cũng tìm uống thử, nhưng không thành công. Đến bệnh viện khám bệnh, mới hay nguyên nhân là do phía người chồng. Nghĩ ngợi, cân nhắc nhiều, rồi hai vợ chồng cũng cố gắng tích góp tiền, gác hết mọi việc, vào TPHCM, tìm đến xóm trọ này lưu trú một thời gian để thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.
Chị Liễu chia sẻ: “Từ lúc tôi về ở đây, đã qua 3 lần thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn chưa thụ thai. Gia đình tôi chỉ làm nghề nông, có một rẫy cao su nhưng kinh tế cũng eo hẹp. Chồng tôi đã phải đi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền lo cho việc có con, có lúc tiền nong trong nhà cạn sạch. Chúng tôi vẫn nghĩ, nếu như có làm ra được bao nhiêu tiền mà không có một đứa con thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa hết”.
Bà Khảm (62 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cùng con dâu đang lưu trú tại xóm trọ này, kể: “Con trai tôi ở quê nhà, đi biển kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tôi đưa con dâu vào TPHCM để chữa hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã hơn một năm nay. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không suôn sẻ, đến bây giờ vẫn chưa có tin vui. Chi phí đã hơn 300 triệu đồng, gia đình phải đi vay mượn khắp nơi để mong sớm có một cháu bé”.
Tình người nơi xóm trọ
Ở xóm trọ này đang có cả trăm cặp vợ chồng lưu trú, họ đến từ khắp mọi miền nhưng cùng chung một cảnh ngộ, cùng chung một mối quan tâm. Hàng ngày ra vào gặp nhau, họ tâm sự, chắp vá những nỗi buồn để gieo niềm hy vọng, ai cũng mong ước sớm có tin vui để trở về với gia đình. Xóm trọ của những người tứ xứ, sống khắc khổ, có nỗi buồn hiếm muộn, nhưng lại thành vui, do những con người ấy dễ dàng cảm thông, chia sẻ, có món gì ngon đều mời mỗi nhà một ít.
Những cặp vợ chồng nào đã thụ thai thành công đều hân hoan tặng lại các đồ đạc mang theo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, chân thành chúc cho những người còn ở lại sớm có tin vui.
Chị Hạnh (25 tuổi, quê ở Quảng Trị) tâm sự: “Thành phố này đất chật người đông, mà tình người nồng ấm. Lúc mới chân ướt chân ráo vào đây để thăm khám điều trị, tôi được người quen giới thiệu vào ở xóm trọ này. Ở giữa những người xa lạ mà chan chứa tình thân, mọi người ai cũng động viên nhau cùng vượt qua cảnh ngộ, ở đây tôi tìm thấy được sự đồng cảm, vơi đi nỗi cô đơn. Nhiều người rất tốt, tận tình tư vấn và hướng dẫn những món ăn an toàn, giúp quá trình chữa trị được hiệu quả”.
Có những cặp vợ chồng ở xóm hiếm muộn đã từng nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc, hy vọng, thất vọng, rồi lại hy vọng…, vẫn đau đáu nỗi chờ đợi, khát khao được có con. Nhờ có tình người trong xóm trọ này mà họ còn trụ được nơi đất lạ để mong đợi ngày đón tin vui.