Cày ngày cày đêm
Tốt nghiệp đại học trễ một năm vì chưa hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của nhà trường, Nguyễn Trường An (25 tuổi, quê Tiền Giang tạm trú tại quận 12) chọn làm nhân viên bảo vệ quán cà phê ở TP để kiếm thu nhập trang trải sinh hoạt và học phí, hoàn thành chứng chỉ ngoại ngữ. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, tình hình cũng không mấy khả quan hơn, với mức lương khởi điểm chỉ nhỉnh hơn 4 triệu đồng/ tháng.
“Tiền nhà thì tôi không lo, vì ở chung với cậu, nhưng mỗi tháng cũng phải phụ 1 triệu đồng tiền điện, nước và wifi, vì bây giờ em trai tôi cũng lên đây ở để học đại học. Số tiền lương còn lại thì chỉ đủ đổ xăng xe, cà phê, cơm trưa chứ không dư dả gì. Nếu có đám tiệc nữa thì hụt tiền luôn”, An cho hay.
Gần nửa năm trụ lại với công việc của một nhân viên phần mềm máy tính, khá đúng với ngành đã học, nhưng mức lương khởi điểm khiến An nản lòng. An bắt đầu tìm công việc mới và những công việc phụ.
An trải lòng: Học chuyên về lập trình phần mềm nhiều hơn là quản lý, nên tôi bắt đầu làm lập trình viên tự do, làm các dự án ngắn hạn với những công ty phần mềm trong nước hoặc công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Một ngày tôi chia thành sáng, trưa, chiều, tối, nếu từ sáng đến chiều tôi đi giao thức ăn thì buổi tối tranh thủ làm việc. Tuy hơi cực vì làm nhiều hơn, nhưng cảm thấy đỡ chán vì luôn có công việc để phấn đấu và có thêm thu nhập kha khá để lo cho bản thân và đứa em trai đang học đại học.
“Càng làm nhiều dự án thì profile của mình càng được nhiều công ty lưu ý hơn vì đã có kinh nghiệm và họ cũng bắt đầu mời mình những dự án lớn và dài hạn. Công việc của lập trình viên tự do cũng khá thuận tiện, có thể làm việc online từ xa”, An cho biết thêm.
Nguyễn Thị Phượng (24 tuổi, quê Gia Lai, nhân viên quảng cáo, tạm trú tại quận Tân Bình) cũng chọn làm thêm công việc phụ để “nuôi” công việc chính vì mức lương khởi điểm của một sinh viên mới tốt nghiệp khá thấp.
Tiền lương mỗi tháng không đầy 4 triệu đồng, Phượng cho hay: “Tôi ở ghép cùng 2 người bạn nữa, mỗi tháng tiền nhà, điện, nước và internet khoảng 850.000 - 900.000 đồng, còn lại phải đi chợ nấu ăn cho tiết kiệm, rồi tiền xăng xe, hoặc đi đám tiệc, nên có tiết kiệm lắm cũng không dư được mấy”.
Ban ngày làm công việc của nhân viên phòng khai thác quảng cáo, buổi tối Phượng làm thu ngân cho một cửa hàng quần áo. “Tiền làm thêm ở cửa hàng quần áo cũng đủ để chi vào tiền nhà và ăn uống, nên tiền lương ở công ty quảng cáo mới có thể dư ra một chút. Chuyện tăng lương, lên chức thì cần một khoảng thời gian để phấn đấu. Sinh viên mới ra trường thì khó mà đòi hỏi lương cao, nên tôi chọn làm thêm để có thể sống được với công việc chính”, Phượng chia sẻ.
Chịu khó để trưởng thành
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm hệ vừa học vừa làm, sau khi thực tập, Lê Thị Tuyết Mai (25 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú ở quận 8) quyết định chọn công việc khác và học lại mọi thứ.
Mai cho hay: “Nếu theo đúng ngành học thì tôi sẽ trở thành giáo viên dạy tiểu học, nhưng tìm hiểu thì tiền lương không đủ để trang trải mọi chi phí. Mức lương ban đầu của tôi cũng chỉ hơn 3 triệu một chút, rồi tiền ăn, tiền ở, tiền xăng xe nếu tiết kiệm tối đa thì cũng chỉ vừa đủ chứ không thể sống thoải mái được. Vì vậy đành tìm việc khác làm”.
Bắt đầu công việc mới - nhân viên môi giới bất động sản, với cái duyên ăn nói cùng tài thuyết phục khách hàng, giúp Mai bán được nhiều dự án, và được đề cử làm trưởng nhóm. Tiền huê hồng khi bán được căn hộ cùng tiền lương, giúp Mai có thể trụ lại thành phố và học thêm những lớp ngắn hạn về lĩnh vực này. Hiện Mai quản lý một sàn giao dịch bất động sản trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).
“Lúc quyết định bỏ nghề giáo viên để theo bất động sản tôi cũng đắn đo và thấy tiếc lắm. Chuyện lập nghiệp ở thành phố đôi khi còn là cái duyên với công việc nữa, nghề nào trụ được thì mình theo thôi, chứ không nhất nhất là phải là một công chức nhà nước”, Mai chia sẻ.
Mức lương khởi điểm ở công ty nhà nước cũng khiến Quốc Hưng (26 tuổi, ngụ quận 5) nản lòng, quyết định cùng nhóm bạn lập nghiệp với công việc kinh doanh và sửa chữa điện thoại, máy tính đã qua sử dụng. Tiệm điện thoại hoạt động hơn 1 năm đóng cửa.
“Thấy người ta khởi nghiệp mình cũng ham, nhưng không có kinh nghiệm và vốn liếng nhiều nên đành dẹp tiệm”, Hưng cho hay. Giờ thì Hưng đang kiếm đường để chuyển hướng, có thể trở lại một nhân viên công sở, như chia sẻ của bạn: Thôi mình ráng đi làm trở lại, vào một môi trường chuyên nghiệp để rèn mình cứng cáp trước khi bay cao.
Tốt nghiệp và không thất nghiệp, có thể trụ lại thành phố, đòi hỏi người trẻ phải nỗ lực thật nhiều để có thể sống được với nghề đã học, hoặc chọn hướng đi mới. Cơ hội ở lại thành phố lập nghiệp, khởi nghiệp luôn chia đều cho tất cả mọi người, nhưng đôi khi người trẻ phải chấp nhận chịu cực để trưởng thành.