Nhiều CN đã tìm việc làm phụ, xoay xở nhằm trang trải cuộc sống, cùng với sự hỗ trợ của doanh nghiệp (DN) để đảm bảo thực hiện tốt quy định phòng chống dịch và duy trì sản xuất.
Thêm phần khó khăn
Các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đang trải qua làn sóng Covid-19 lần thứ 4, phức tạp nhất từ trước đến nay, nhất là khi dịch đã tấn công vào các nhà máy trong KCN khiến nhiều CN bị ảnh hưởng đời sống, thu nhập. Chị Lê Thị Thành (50 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) có gần 20 năm làm việc tại Công ty Freetrend, Khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM). Khi chưa có dịch, chị có thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, tạm đủ trang trải cuộc sống ở trọ và tiết kiệm phòng lúc đau ốm. Nhưng thời gian qua, DN giảm thời gian tăng ca và phải tạm dừng mọi hoạt động tại nhà máy từ ngày 9-7 đến nay, chưa biết chế độ và tiền lương được chi trả ra sao trong những ngày tạm ngưng làm việc.
Chị Thành đành vay mượn người thân để trang trải sinh hoạt và nhận thêm việc may thêu tại nhà với tiền công khoảng 150.000 đồng/ngày. Với ông Nguyễn Văn Nga (51 tuổi, ngụ phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), khu vực gia đình sinh sống bị phong tỏa nên 4 thành viên trong gia đình phải ở nhà phòng dịch và chưa biết làm gì những ngày sắp tới...
Tại Đồng Nai, tình hình dịch Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp khiến nhiều CN bị mất việc hoặc giảm giờ làm và thu nhập. Chị Nguyễn Thị Bình, làm ở Công ty Pou Chen Việt Nam (phường Hóa An, TP Biên Hòa), chia sẻ: Lương CN vốn đã ít, hàng tháng phải chi tiêu tằn tiện mới đủ; nay lại thêm vất vả khi công ty vừa cho CN nghỉ phép, phòng dịch, khiến thu nhập giảm.
Trăm cách vượt khó
Anh Lê Văn Tam (32 tuổi, CN may, làm việc ở KCN Sóng Thần, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hơn 2 tuần qua làm quen với app giao hàng để kiếm thêm thu nhập. Anh cho biết: Khi công ty tạm dừng sản xuất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tôi và nhiều người bạn xoay xở tìm việc ngay; người thì nhận khung tranh về thêu tại nhà, người lấy mối rau quả, thịt heo về bán online, riêng tôi thì đi giao hàng với thu nhập nửa tháng đầu tiên khoảng 6 triệu đồng.
Anh Hoàng Công Danh, ngụ ở phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trước đây làm cho một công ty giày da tại KCN Biên Hòa được hơn chục năm. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, anh bị mất việc do công ty không có đơn hàng, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới xin được việc. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bình Dương và Đồng Nai, công ty mới cũng buộc phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch. Hiện anh đang xin chạy giao hàng cho một cửa hàng thực phẩm tại TP Biên Hòa để kiếm tiền lo cho gia đình. Do TP Biên Hòa đang thực hiện Chỉ thị 16, các chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, nguồn cung ứng thực phẩm - nhất là rau xanh - hạn chế khiến giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng vọt, nên anh tranh thủ xếp hàng ở điểm bán rau 0 đồng trước khu vực Sở NN-PTNT để tiết kiệm tiền xoay xở trong thời gian nghỉ dịch.
Chia sẻ khó khăn của người lao động, một số DN tại Đồng Nai đã tặng tiền cho CN để tri ân và hy vọng mọi người “kề vai sát cánh” vượt qua dịch Covid-19. Chẳng hạn như Công ty Hyosung Việt Nam (tại huyện Nhơn Trạch) đã thưởng mỗi CN 3-5 triệu đồng, tùy thâm niên làm việc.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết: Các cấp công đoàn trong tỉnh đang tích cực hỗ trợ người lao động trên địa bàn và tới thời điểm này, các cấp công đoàn đã hỗ trợ 368 lao động là các trường hợp F1 làm việc tại các đơn vị, DN với tổng số tiền 552 triệu đồng (1,5 triệu đồng/người). Các cấp công đoàn tỉnh còn phối hợp với ngành chức năng nắm bắt tình hình CN để kịp thời hỗ trợ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Các DN tại tỉnh Bình Dương cũng có nhiều hình thức hỗ trợ CN, như Công ty Yazaky (TP Dĩ An) phối hợp công đoàn cơ sở tuyên dương lao động gắn bó lâu năm với mức thưởng 1,25-8 triệu đồng/người. Nhiều chủ nhà trọ giảm tiền phòng 20%-50% cùng nhiều phần quà hỗ trợ người dân. Chính quyền cũng chung tay hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn, hoặc đang sống ở nơi phong tỏa.
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, để chia sẻ khó khăn với CN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các cấp công đoàn đã vào cuộc kịp thời, liên tục phối hợp với địa phương, hỗ trợ bằng nhiều hình thức để không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ đầu năm 2021 đến nay đã chi hơn 2,5 tỷ đồng. |