Để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra, theo nhiều chuyên gia cần phải giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhất là trong việc tiếp cận, huy động vốn. Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được công bố, các doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Minh chứng rõ nhất là gói hỗ trợ 2% lãi suất, doanh nghiệp khó tiếp cận do điều kiện, thủ tục khó đáp ứng.
Trong khi đó, huy động vốn qua kênh trái phiếu gần như bị “tắc”. Năm 2022, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành giảm 44,9% so với năm 2021 (đạt 337.000 tỷ đồng) và quý 1 chỉ đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Tháng 4, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu phát hành trị giá 671 tỷ đồng, dẫn đến quy mô phát hành của tháng chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và 2,25% so với cùng kỳ năm 2022. Không những vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu.
Theo số liệu tổng hợp từ Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, từ tháng 3 đến hết tháng 12, ước tính 220.770 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn (doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn là 93.200 tỷ đồng). Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn quý 2 là 36.200 tỷ đồng và quý 3 là 35.400 tỷ đồng.
Những dữ liệu trên cho thấy, áp lực về vốn với doanh nghiệp đang rất lớn. Và vấn đề giảm lãi suất, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cũng là những chỉ đạo xuyên suốt, liên tục trong thời gian qua của lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Trong báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không căng thẳng như cuối năm 2022.
Dự báo từ nay đến cuối năm nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều thách thức. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là khó khăn. Để đạt được mục tiêu đề ra, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Chính phủ cần kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; giảm lãi suất huy động và cho vay, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, giữa lãi suất và lạm phát; tăng khả năng tiếp cận vốn, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần đưa ra các công cụ, cách thức, phương pháp để doanh nghiệp phát hành trái phiếu có điều kiện, khả năng thanh toán cho trái chủ theo đúng quy định; tăng cường niềm tin của thị trường…