Đây là lần đầu tiên có một tiết học giáo dục giới tính dành cho cả giáo viên lẫn học sinh. Ở đó, người dạy không đưa ra những định nghĩa, khái niệm khô cứng hay thuyết giảng những điều học sinh được phép và không được phép làm. Thay vào đó, giáo viên và học sinh có thể thoải mái đưa ra những nhận định, cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm, cũng như bày tỏ quan điểm của bản thân về tình yêu và tình dục trong xã hội hiện đại.
Trước câu hỏi “Hãy sắp xếp theo quan điểm của anh, chị thứ tự 5 cấp độ trong một mối quan hệ gồm Thích, Yêu, Tìm hiểu, Lấy và Ấy”, các giáo viên đã rất ngạc nhiên trước thứ tự sắp xếp của hầu hết học sinh là Thích - Ấy - Yêu - Lấy - Tìm hiểu. Một nữ giáo viên 39 tuổi cho biết, thời đại của các thầy cô giáo trước đây, “Ấy” được xem là vấn đề hết sức nhạy cảm, thường là mức độ cao nhất trong một mối quan hệ sau khi đã tìm hiểu và kết hôn. Tuy nhiên, đối với học sinh hiện nay, chỉ cần có cảm tình với nhau là các em sẵn sàng làm “chuyện ấy”, sau đó mới xây dựng tình yêu, thậm chí có em bỏ qua giai đoạn tình yêu và tiến tới xây dựng hôn nhân, lấy nhau xong về mới tìm hiểu.
Đây là điểm khác biệt rất lớn về tư tưởng, buộc các thầy cô giáo phải thích nghi để từ đó có cách giáo dục, định hướng sự phát triển nhân cách, lối sống cho học trò. Ở một diễn biến khác, với câu hỏi “Bạn đã từng làm chuyện ấy trước năm học lớp 12”, nhiều học sinh nam đã mạnh dạn giơ tay thừa nhận đã ăn “trái cấm”.
Khải Nguyên, học sinh lớp 12A4, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham dự một tiết học về giáo dục giới tính với không khí thoải mái và cởi mở đến như vậy. Không phải vấn đề nào giữa tụi em với thầy cô cũng có chung quan điểm, nhưng nói ra để hai bên hiểu nhau hơn, từ đó cùng thảo luận tìm ra giải pháp bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và tương lai của tụi em”.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, nhiều giáo viên thường mang tâm lý ngại ngùng, hoặc áp đặt quan điểm của mình khi giáo dục giới tính cho học trò. Tuy nhiên, trước những thay đổi to lớn của xã hội, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng cần phải học, không chỉ để thu nạp kiến thức mà cả cách nhìn, tư tưởng phù hợp cuộc sống hiện đại.
Nếu bản thân giáo viên ngại thay đổi thì giữa người dạy và người học sẽ tồn tại những “vùng cấm”, khiến giáo dục giới tính không đạt hiệu quả như mong đợi. Lấy ví dụ về việc nhiều trường học hiện nay vẫn còn tư tưởng e dè, phân biệt đối xử với những trường hợp học sinh thuộc giới tính lạ, thầy Hoàng Sĩ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng sống, cho rằng không nên có bất kỳ phân biệt đối xử nào với những trường hợp học sinh không thuộc giới tính nam hoặc nữ.
“Khoa học đã chứng minh con người có đến 10 loại giới tính. Đó là sự đa dạng của tạo hóa chứ không phải một chứng bệnh. Vì vậy, cả giáo viên lẫn học sinh đều không nên có thái độ kỳ thị với những bạn thuộc giới tính lạ vì dù thuộc giới tính nào, bạn đó vẫn cần được tôn trọng và đối xử như một người bình thường trong xã hội”.
Như vậy, giáo dục giới tính cho học sinh trong thời đại mới cần xuất phát từ việc các thầy cô giáo học cách lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm và là chỗ dựa tinh thần khi học sinh gặp khó khăn cần sự giúp đỡ. Trong đó, không nên có quan niệm đánh giá đúng hoặc sai mà chỉ có thời điểm phù hợp hay chưa phù hợp, không cấm đoán mà thay vào đó là thực hiện sao cho an toàn và vẫn bảo vệ được sức khỏe. Chỉ khi làm được điều đó, học sinh mới cởi bỏ tâm lý đề phòng, dũng cảm sống đúng, sống thực với bản thân nhưng vẫn nhận được sự quan tâm, trở thành người có ích cho xã hội.