Ngày 16-5, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (NQ06) sẽ được quán triệt và triển khai sâu rộng đến các bộ ngành và các địa phương, nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và chất lượng đô thị hóa trong cả nước.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, cần phải 20-30 năm nữa mới đạt tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị Việt Nam chưa cao, gây lãng phí về đất đai, chưa có sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng đô thị hiện chưa đáp ứng yêu cầu về dân số và kinh tế khu vực; chưa thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; ô nhiễm môi trường gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư còn thấp…
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, NQ06 sẽ đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quản lý đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.
Theo đó, khi thực hiện NQ06, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sẽ đi trước một bước và đảm bảo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Thể chế mới cũng sẽ được hoàn thiện để kiên quyết xóa tư duy nhiệm kỳ và tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho”, lợi ích nhóm trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.
Việc phát triển đô thị cũng sẽ đảm bảo phù hợp, cân đối các vùng miền, theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng vẫn giữ gìn, phát huy các yếu tố bản sắc văn hoá dân tộc. Các đô thị có lợi thế hơn sẽ được xây dựng thành các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế cao.
Để làm được các nhiệm vụ này, NQ06 cho phép phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền đô thị, phát huy khai thác tốt nguồn lực từ chính đô thị, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, phát triển đô thị.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu 45% với 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 Việt Nam đạt trên 50% với 1.000-1.200 đô thị. Cũng đến 2030, Việt Nam sẽ hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế.