Cơ hội hạn chế
Tại Khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) từ nhiều năm nay luôn có hàng chục bệnh nhi chạy thận nhân tạo. Theo TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, do dân số tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn gia tăng, trong đó có trẻ em. Hiện đơn vị đang thực hiện chạy thận nhân tạo cho khoảng 40 bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối. Theo thống kê hiện tại, tỷ lệ sống của bệnh nhân ghép thận sau 1 năm là 98% và sau 5 năm khoảng 86%. Trong khi với phương pháp khác, như chạy thận nhân tạo, tỷ lệ này sau 5 năm chỉ khoảng 40%-50%.
Tương tự, tại Khoa Gan - Mật - Tụy của Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng rất đông bệnh nhi mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Hiện trung bình mỗi tuần, bệnh viện tiến hành 3-4 ca phẫu thuật cho bệnh nhi mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, phẫu thuật bằng phương pháp Kasai (tạo đường lưu thông mật từ gan) chỉ là giải pháp tạm thời, cứu trẻ khỏi tử vong trong vòng 9-15 tháng. Ghép gan vẫn là biện pháp an toàn và mang lại cơ hội sống cho trẻ nhiều hơn.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em từ năm 2004 đến nay. Thế nhưng, số lượng trẻ em được ghép tạng vẫn còn rất ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Trong 18 năm, đơn vị này chỉ thực hiện được 38 ca ghép tạng trẻ em, gồm 15 trường hợp ghép gan và 23 trường hợp ghép thận. Nguyên nhân phần lớn là do khan hiếm nguồn tạng hiến. GS Trần Đông A, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, với trẻ em, đa phần tạng hiến từ người cho sống, chủ yếu là bố mẹ cùng huyết thống. Trong khi nguồn tạng hiến từ người chết não rất khan hiếm thì các quy định của pháp luật vẫn chưa cho phép trẻ em dưới 18 tuổi chết não được hiến tạng. “Rất vô lý khi trẻ em chết não vẫn chưa được hiến tạng
dù gia đình trẻ cho phép. Các quy định pháp luật chưa phù hợp đã đẩy bệnh nhi vào “cửa tử” trước khi chờ nhận được tạng hiến”, GS Trần Đông A nói.
Cần sửa đổi luật phù hợp thực tế
Kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay Việt Nam đã thực hiện hơn 6.000 ca ghép tạng. Hiện cả nước có 23 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép tạng. Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam cũng đã có những bước tiến xa, đạt được nhiều kỹ thuật khó như ghép phổi, chi thể... Cùng với đó, tinh thần “cho đi là còn mãi” đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đưa số lượng người đăng ký hiến tạng không ngừng tăng lên. Đã có khoảng 50.000 người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Song thực tế có đến 94% nguồn tạng ghép đến từ người cho sống, nguồn tạng hiến từ người cho chết não còn quá ít.
Về pháp lý, hoạt động ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta được thực hiện trên cơ sở Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” được Quốc hội thông qua năm 2006. Luật đã tạo hành lang pháp lý để các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, triển khai kỹ thuật, hợp tác quốc tế để thực hiện hoạt động hiến ghép mô, tạng… Tuy nhiên đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một số quy định trong luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhiều vấn đề mới phát sinh cần được điều chỉnh.
Theo GS Trần Đông A, Điều 5 của Luật “Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác” ghi rõ: Cấm trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng. Như vậy, luật không cho phép trẻ em chết não hiến tạng, dù nhiều trẻ và gia đình trẻ có mong muốn hiến tạng. “Sự cứng nhắc này đã khiến nguồn tạng từ người chết não vốn đã ít ỏi càng khan hiếm hơn. Điều này đồng nghĩa với cơ hội để trẻ em được ghép tạng là vô cùng ít, trong khi đây là đối tượng lẽ ra cần được ưu tiên hàng đầu”, GS Trần Đông A tâm tư.
Ngoài ý nghĩa nhân văn thì theo GS Trần Đông A, việc lấy tạng của trẻ em để ghép cho trẻ em thuận lợi hơn nhiều so với việc lấy tạng của người lớn để ghép cho trẻ em. Nếu ghép tạng cho trẻ em từ nguồn hiến là người lớn thì nguy cơ thải ghép, các biến chứng sau ghép lớn hơn rất nhiều, thậm chí có nguy cơ phù phổi cấp, suy tim, nổ đường dẫn tiểu qua thận… “Việc lấy tạng của trẻ chết não không những không vi phạm đạo đức mà còn an toàn, mang ý nghĩa nhân văn hơn”, GS Trần Đông A nhấn mạnh.
* Trong khi luật chưa được sửa đổi, để tăng nguồn tạng hiến ghép cho trẻ em, năm 2018, 3 bệnh viện lớn tại TPHCM gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất đã ký kết Đề án Thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép tạng nhân đạo. Theo đó, khi có nguồn tạng hiến từ người chết não tại 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Thống Nhất sẽ ưu tiên hàng đầu cho các bệnh nhi đang chờ ghép tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Mới đây, ngày 21-8, khi nhận được nguồn tạng hiến từ một cô gái 25 tuổi, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển một quả thận cho Bệnh viện Nhi đồng 2 để ghép cho một bệnh nhi 15 tuổi. Để đăng ký hiến tạng, người dân có thể đến trực tiếp tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TPHCM. Hoặc đăng ký online trên trang dieuphoigheptangtphochiminh.vn |