Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là vùng căn cứ cách mạng, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đời sống người dân còn nghèo, số lượng người mù chữ còn cao. Việc không biết chữ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, khoảng 1 tháng trở lại đây, các xã Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) lần lượt mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào Xơ Đăng. Có tổng cộng 90 người theo học các lớp này. Lớp học diễn ra từ 18 giờ đến 20 giờ, từ thứ hai đến thứ sáu, do các giáo viên giỏi tại các trường đóng chân trên địa bàn trực tiếp giảng dạy.
Lớp xóa mù chữ ở xã Đăk Rơ Ông được mở tại điểm trường thôn Kon Hia 3. Có mặt tại đây, chúng tôi nhìn thấy từng nhóm bà con lần lượt chạy xe đến lớp học. Những người đi học gồm cả nam lẫn nữ, tuổi từ 15 đến 60. Khi tiếng chuông reo lên, người học bước vào bàn, đem sách vở ra học theo chỉ dẫn của giáo viên.
Bà Y Trang (57 tuổi, thôn Kon Hia 3) cầm chiếc bút chăm chú tập viết trên cuốn vở. Những nét chữ tròn trịa lần lượt được viết ra bởi đôi bàn tay chai sạn. Nhìn lại câu chữ vừa viết thành, bà Y Trang nở nụ cười tươi rói, toát lên vẻ vui sướng: “Hồi nhỏ nhà nghèo, không có điều kiện đến lớp nên không biết chữ. Mà thiếu chữ thì không làm được gì, nhiều lúc chở mì đi bán cũng không biết tính toán để lấy tiền. Vừa rồi xã vận động đi học, mình cũng đắn đo vì nghĩ bản thân đã già, sợ học không được. Thế rồi được con cháu động viên, mình quyết tâm đi học. Lên lớp thầy cô tận tình hướng dẫn tập viết, tập làm phép tính, nhắn tin trên Zalo. Giờ đây mình đã biết viết. Mình sẽ cố gắng hoàn thành khóa học để áp dụng trong cuộc sống”, bà Y Trang nói.
Theo bà Mai Thị Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Ông, địa phương xác định việc xóa mù chữ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giúp người dân áp dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế. Vì thế, xã đã có nhiều chính sách để khuyến khích người dân theo học, như tặng bút, sách, vở, phấn; khi hoàn thành khóa học sẽ được hỗ trợ kinh phí. Tín hiệu vui là mới 1 tháng, nhiều người đã biết đọc, biết viết. “Ngoài lớp xóa mù chữ cho 32 người, địa phương còn khoảng 140 người chưa biết chữ. Định hướng đến năm 2025, xã sẽ xóa mù chữ cho những người còn lại này. Trước mắt, vào tháng 9 năm nay sẽ mở lớp xóa mù cho 35/140 người”, bà Luận cho biết.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tu Mơ Rông, thông tin, ngoài 3 xã Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Tơ Kan, cuối tháng 5, xã Tu Mơ Rông cũng khai giảng lớp xóa mù chữ, với 45 người đăng ký theo học. Để giúp người dân tiếp thu kiến thức nhanh, hiệu quả nhất, Phòng GD-ĐT đã giao các trường chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để giảng dạy. Chương trình dạy phải sát với thực tế để người dân áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống. Các trường cũng đã đưa máy tính bảng vào giảng dạy. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện mở thêm các lớp xóa mù chữ để người dân có thể đi học, nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên trong cuộc sống”, ông Hoàng nói.