Hiện thực hóa “thế giới phẳng” trong ngành y
Theo Bộ Y tế, dù chỉ mới có nửa năm triển khai thực hiện nhưng 4 bệnh viện hạng đặc biệt và 27 bệnh viện (BV) tuyến trên trong toàn quốc đã kết nối được với hơn 1.100 cơ sở y tế trong cả nước, trong đó nhiều cơ sở là bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé, Côn Đảo, Cô Tô. Đây là một con số mà khi triển khai Telehealth, các nước phát triển cũng phải mất nhiều năm.
Là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống Telehealth, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, cho biết, đến nay BV đã tổ chức được hơn 50 cuộc hội chẩn với trên 300 bệnh nhân được khám chữa bệnh từ xa và 162 BV đề xuất tham gia kết nối. Hiện nay, BV đang tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ ba và thứ năm).
Mỗi buổi sẽ có trung bình 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. “Đây là giai đoạn 1 đề án - giai đoạn khám chữa bệnh trực tuyến để nâng cao hiểu biết của các bác sĩ tuyến dưới. Ở giai đoạn 2, chúng tôi sẽ mở các phòng khám ở BV địa phương có kết nối với các bác sĩ tại BV. Giai đoạn 3 là khám trực tiếp tại gia đình bệnh nhân với dụng cụ khám chữa bệnh từ xa”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu thông tin.
Trong khi đó, tại BV Ung bướu TPHCM, thông qua hệ thống Telehealth của BV kết nối với các BV tuyến dưới, các bác sĩ đã hội chẩn, tư vấn được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà không cần phải chuyển lên tuyến trên. Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, từ khi khai trương hệ thống (ngày 16-9) đến nay, đều đặn mỗi tuần BV tư vấn, thăm khám hội chẩn từ xa cho 2 bệnh nhân nặng. Hiện các tỉnh thành tham gia chính trong đề án bệnh viện vệ tinh của BV Ung bướu bao gồm: Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Bệnh viện cũng kết nối với nhiều trung tâm ung bướu hàng đầu trên thế giới và các BV trên cả nước khi có nhu cầu tư vấn, hội chẩn. “Khi ứng dụng Telehealth vào việc khám chữa bệnh, mỗi bệnh nhân đều được xem xét kỹ lưỡng, đem đến nhiều lợi ích như giảm bớt can thiệp không cần thiết cho người bệnh, xem xét tình trạng bệnh có cần chuyển tuyến hay không, đặc biệt là hạn chế tai biến y khoa, sai sót y tế. Bởi trong nhiều trường hợp tiên lượng nặng hoặc cần cấp cứu khẩn việc vận chuyển hoặc sai sót, nhầm lẫn khi chẩn đoán, ra y lệnh có thể khiến người bệnh diễn biến nặng, thậm chí mất mạng. Đối với nhóm bệnh nhân khó, phức tạp, các chuyên gia lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… sẽ tham gia hội chẩn để giúp các bác sĩ tuyến dưới hiểu rõ nhất về tình trạng bệnh”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn nói thêm.
Hiện nay, qua hệ thống Telehealth, BV Nhi Trung ương đã kết nối được gần 170 điểm cầu ở khu vực phía Bắc; đồng thời BV cũng kết nối với nhiều trung tâm nhi khoa hàng đầu trên thế giới. Tại BV Nhi đồng 1 TPHCM, đến nay đã có 56 đơn vị từ các tỉnh thuộc ĐBSCL, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ đăng ký tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa với BV Nhi đồng 1. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh từ xa đã giúp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các BV xích lại gần nhau hơn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của các BV tuyến dưới. Với sự thành công của đề án này, hy vọng người dân từ vùng sâu vùng xa sẽ có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế chuyên sâu của tuyến trên mà không phải vất vả lên tận các thành phố trung tâm.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Trước việc nhanh chóng thực hiện được hơn 1.100 điểm kết nối Telehealth, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nêu rõ, Telehealth sẽ là giải pháp quan trọng cho việc giúp ngành y tế ở Việt Nam phát triển đồng bộ trong tương lai, mang lại rất nhiều hiệu quả to lớn cho cả người bệnh và thầy thuốc, nhất là với tuyến cơ sở. Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo BV, để Telehealth có thể duy trì và giúp ngành y tế phát triển đồng bộ, ngành y tế cần quyết liệt tháo gỡ nhiều vấn đề.
“Chúng ta chưa sửa đổi được Luật Khám chữa bệnh, nên việc ký đơn thuốc từ xa đang bị vướng mắc. Bác sĩ tuyến trên hay bác sĩ tuyến dưới tham gia hội chẩn qua Telehealth ký đơn thuốc và ai phải chịu trách nhiệm. Do đó cần phải làm rõ điều này để không chỉ bác sĩ tuyến dưới mà cả bác sĩ tuyến trên cũng cảm thấy yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, việc triển khai Telehealth hiện nay, các BV cũng đang làm không công, bởi chưa có nguồn thu từ hoạt động này. Do đó, Bộ Y tế cần sớm tìm cách để các cơ quan bảo hiểm được quyền tham gia vào thanh toán chi phí loại hình khám chữa bệnh này”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, nhìn nhận.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, lợi ích của việc khám chữa bệnh từ xa là rất rõ, tuy nhiên hiện đường truyền chưa làm nhuyễn, chưa có thường xuyên nên kết nối chập chờn, không liên tục. Ngoài ra, khó khăn của đơn vị gặp phải là việc kết nối với nhau trao đổi giờ giấc làm việc, chẳng hạn, BV tuyến huyện muốn hội chẩn một ca bệnh nào đó lên trên tuyến tỉnh cùng một chuyên khoa nào đó, thì cùng thời gian ấy, bác sĩ không có ở BV hoặc bận công tác (như đang mổ hay công việc khác), nên cần phải có thời gian trước để kết nối. Giả sử có những trường hợp khẩn cấp cần ngay chuyên khoa đó thì cũng không có kết nối liền được, do con người đang hoạt động công tác tại đơn vị mình.
“Thời chúng tôi học là “nhìn, sờ, gõ, nghe” thì mới khám cho bệnh nhân được. Nhưng các thầy lão thành bây giờ nghe cái này thì cũng hơi dị ứng, thay vì phải nhìn bệnh nhân, giờ phải nhìn qua màn hình nên đôi lúc không thực tế bằng nhìn trực tiếp bệnh nhân. Sờ thì cảm giác tay mình sờ vào bụng bệnh nhân đau ra sao, để chẩn đoán phần nào tính chất của bệnh, nhưng giờ mình không sờ được. Để khắc phục được những thiếu sót này thì phải đồng nhất về chuyên môn. Nghĩa là đồng nhất từ tuyến dưới đến tuyến trên, tức là người dưới phải trung thực, làm với khả năng rõ ràng, để bác sĩ tuyến trên hiểu được cách khám của họ thiếu phần nào nhằm bổ sung, đưa ra cách khám chính xác”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt cho hay.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THANH LONG: Thông tin phải đảm bảo tính bảo mật Các đơn vị cần lưu ý tạo ra được một mạng lưới y tế không còn giới hạn tới tận các tuyến, để các BV được hỗ trợ về mặt chuyên môn như nhau. Người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới phải được hưởng dịch vụ y tế như ở tuyến trung ương. Điều này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu các BV phải khai báo các bác sĩ đang làm việc, nguồn nhân lực chính thông qua mạng. Khi Đề án khám chữa bệnh từ xa được thực hiện, toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân sẽ được lưu ở trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Đơn vị nào thực hiện sổ y bạ điện tử cần lưu thông tin của bệnh nhân trên nền tảng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nền tảng công nghệ thông tin được sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa phải đảm bảo tính bảo mật. Ông NGUYỄN MẠNH HỔ, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ y tế mới Với thông điệp chủ đạo “Chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa”, việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại các BV tuyến cuối được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền Tổ quốc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống bằng việc đưa các ứng dụng công nghệ y tế mới, như: Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc chẩn đoán hình ảnh, chỉ ra những bệnh án thường gặp, hạn chế rủi ro; công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data), giúp bác sĩ đưa ra quyết định dựa trên lịch sử hàng ngàn các bệnh án trước. |