Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, hiện nhiều hủ tục đã được đẩy lùi, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa.
Trước đây, đồng bào DTTS sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện như S’tiêng, M’nông vẫn tồn tại những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong việc cưới, việc tang. Bà con quan niệm, thách cưới càng cao thì hạnh phúc càng bền chặt, được quy ra bằng trang sức, gia súc có giá trị cao... Do đó, không ít hộ đồng bào DTTS rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, dẫn đến đói nghèo sau khi lo liệu xong lễ cưới.
Trong việc tang, để tỏ lòng thương tiếc người chết, thường các gia đình để xác chết trong nhà từ 7-8 ngày cho con cháu, họ hàng, người thân khóc than. Rồi còn có hủ tục “chết tốt, chết xấu”.
Với họ, chết xấu là những trường hợp chết do rủi ro, người chết không được đưa về chôn tại nghĩa trang của buôn làng và người trong buôn sẽ không đến chia sẻ, an ủi. Thậm chí, những hộ gia đình sống gần gia đình có người “chết xấu” còn dời nhà đi nơi khác để tránh ma xấu ám theo. Thêm nữa là nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống gây suy yếu giống nòi.
Thời gian qua, các đoàn thể chính trị của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, tập trung vào các hoạt động như: thành lập câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc; truyền dạy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cho thế hệ trẻ; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới gắn với vệ sinh nhà cửa, môi trường, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, ăn uống hợp vệ sinh.
Ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, cho biết, để cả cộng đồng chấp nhận từ bỏ một tập tục đã tồn tại bao đời nay trong cộng đồng không phải đơn giản. Và để giúp người dân xóa bỏ hủ tục “chết tốt, chết xấu”, huyện đã tổ chức các lực lượng hỗ trợ gia đình có người chết do rủi ro làm mai táng. Để xóa bỏ nạn tảo hôn, Đảng ủy, chính quyền và các cấp hội phụ nữ cùng các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tập trung tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ. Đặc biệt, chính quyền không làm các thủ tục đăng ký kết hôn, không cho tổ chức tiệc cưới nếu vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn.