Trên địa bàn TPHCM còn khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm không kiểm soát là một nguyên nhân gây sụt lún đất. Do đó, TPHCM đang tập trung trám lấp các giếng khoan để bảo vệ nguồn nước ngầm, hạn chế sụt lún mặt đất và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Đến nhà dân lấp giếng miễn phí
Thực hiện kế hoạch của UBND TPHCM về giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) đã phối hợp với UBND quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của việc khai thác, sử dụng nước ngầm. Cùng đó, nhân viên kỹ thuật Cấp nước Gia Định đã đến nhà các hộ dân ở 2 quận này trám lấp giếng khoan miễn phí.
Chỉ vào nơi trước đây đặt máy bơm nước từ giếng khoan đã được lấp bằng phẳng, bà Lý Cẩm Lệ (đường Huỳnh Văn Bánh, phường 11 quận Phú Nhuận) cho biết giếng này được gia đình khoan cách nay gần 20 năm, trước khi nước sạch được kéo đến nhà. “Thời gian qua, gia đình tôi được vận động không sử dụng nước giếng khoan nhưng chưa tìm được thợ làm. Nay được hỗ trợ lấp miễn phí, chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí”.
Cũng là một trong những hộ đầu tiên hưởng ứng lấp giếng khoan, bà Lương Ngọc Hương (phường 11 quận Phú Nhuận) kể rằng khi đã có nước máy gia đình bà vẫn dùng nước giếng tưới cây, lau nhà. Đến khi được vận động và hiểu tác hại của việc sử dụng nước ngầm, bà Hương ngưng sử dụng nước giếng và đồng ý trám lấp giếng khoan.
Theo ông Nguyễn Công Chiến, Trưởng phòng TN-MT quận Phú Nhuận, ở quận còn khoảng 600 hộ sử dụng nước ngầm. Thời gian qua quận đã tuyên truyền, vận động người dân trám lấp các giếng khoan để đến năm 2025 ở quận không còn giếng khoan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đắng, Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cho biết trên địa bàn đơn vị phụ trách có hơn 17.000 giếng khoan. Việc trám lấp giếng phải được thực hiện đúng kỹ thuật, nếu không sẽ gây ô nhiễm tầng nước ngầm của thành phố. Do đó, từ nay đến cuối năm 2019, công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí lấp giếng khoan (1,2 triệu đồng/giếng) cho người dân ở quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và một số phường ở quận 3, quận Gò Vấp. Người dân có nhu cầu liên hệ trực tiếp Công ty Cấp nước Gia Định hoặc địa phương để được hỗ trợ miễn phí.
Ngoài ra, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người dân nhập cư, sinh viên, các hộ nghèo chuyển từ nước giếng sang nước sạch. Theo đó, người dân chỉ cần xác nhận tạm trú thì sẽ được cấp định mức nước.
Cũng theo ông Đắng, hiện nay dù đã có yêu cầu hạn chế khai thác nước ngầm nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn dùng nước giếng khoan nhằm tiết kiệm chi phí. Cần hiểu rõ rằng khoản tiết kiệm này rất nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và làm sụt lún cả thành phố.
Để giảm khai thác nước ngầm theo kế hoạch của UBND TPHCM thì rất cần sự chung tay, đồng thuận của chính quyền, người dân và ngành cấp nước thành phố. Thực tế tại một số địa phương, khi sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ đã khiến công tác lấp giếng khoan còn gặp khó khăn.
Hơn 3 tháng trước, Ban Quản trị chung cư Độc Lập (phường Tân Quý, quận Tân Phú) đồng ý lấp giếng khoan để sử dụng nước sạch thay nước giếng, nhưng đến nay 2 giếng bơm công nghiệp tại đây vẫn chưa được lấp. Nguyên nhân do chưa có sự phối hợp giữa Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa và quận Tân Phú.
Theo ông Trần Công Lễ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, người dân đã đồng thuận, công ty cũng sẵn sàng trám lấp giếng khoan. Tuy nhiên, đơn vị chưa nhận được ý kiến của UBND quận Tân Phú nên công việc giậm chân tại chỗ. Để giảm khai thác nước ngầm tràn lan như hiện nay, rất cần sự đồng hành của chính quyền trong vận động, tuyên truyền người dân. Về phía công ty đã chủ động tuyên truyền khi gắn mới đồng hồ nước, nhân viên đơn vị đã vận động người dân lấp giếng để được gắn đồng hồ nước miễn phí. Khi được vận động, đa phần người dân đồng ý.
“Công ty đã có công văn gửi UBND quận xin ý kiến trong phối hợp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng nước giếng khoan cũng như thực hiện trám lấp giếng, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi”, ông Lễ thông tin.
Theo thống kê, khu vực do Công ty Cấp nước Tân Hòa quản lý gồm 2 quận Tân Bình, Tân Phú với gần 40.000 giếng khoan và gần 7.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ 0m3. Hiện nay, nguồn nước ngầm tại TPHCM đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết các mẫu nước giếng khoan trên địa bàn không đạt tiêu chuẩn dùng cho ăn, uống. Trong đó, hàm lượng Amoni cao hơn 3 lần, hàm lượng sắt cao hơn 4 lần mức cho phép. Sử dụng nước ngầm trong ăn uống có nguy cơ gây ung thư và thiếu ô xy trong máu.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, công tác giảm khai thác nước ngầm được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, để đến năm 2025 mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000m³/ngày. Lượng nước này sẽ được đưa vào chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn việc cấp nước sạch cho toàn thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt. Đồng thời, Sawaco cũng đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho người dân khi tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2, với tổng công suất 600.000m³/ngày. |