Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cảnh báo về mức độ nghèo đói “thực sự gia tăng chưa từng có” trong năm 2021 và kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo. Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng ngày càng tăng trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục đến việc làm, có thể sẽ còn xảy ra trong nhiều năm tới.
Bằng những nỗ lực lớn, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu giảm ngoạn mục khi khoảng 80% dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 1960 giảm xuống còn gần 10% hiện nay. Nhưng con số này được dự báo sẽ tăng lên trong những năm tới, không chỉ ở nhóm những người sống dưới mức nghèo khổ 1,9 USD/ngày mà còn tăng với những người có mức thu nhập cao hơn. Các chuyên gia lo ngại về số lượng người sống dưới 3,2 USD/ngày đang gia tăng trong khoảng thời gian từ tháng 6-2020 đến tháng 1-2021.
Ông Axel Van Trotsenburg, Giám đốc điều hành hoạt động của WB, nằm trong số những người bày tỏ mối lo ngại này. Ông nói: “Mối quan ngại của chúng tôi là con số thêm 150 triệu người nghèo vào cuối năm 2021”. Ông cho rằng tiến trình xóa đói giảm nghèo rất mong manh và cần phải nỗ lực nhiều hơn để kiềm hãm số người nghèo đói, đặc biệt là khi cả thế giới phải đối mặt với những thách thức hiện có như đại dịch và biến đổi khí hậu. Ông Van Trotsenburg tin rằng những thách thức mà các nước nghèo phải đối mặt là rất lớn.
Ông Andrew Shepherd cùng các đồng nghiệp tại Mạng lưới Tư vấn xóa đói đói giảm nghèo (CPAN) thuộc Viện Phát triển nước ngoài (trụ sở ở London, Anh) lặp lại nhiều báo cáo của WB và các tổ chức toàn cầu khác chỉ ra, việc cắt giảm ngân sách viện trợ của phương Tây đã khiến bức tranh thêm phức tạp: “Việc cắt giảm ngân sách này khiến nguồn lực có sẵn ít hơn để giải quyết những thách thức lâu dài mà mọi người đang phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, các tác động xã hội, kinh tế của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đè nặng lên các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”. Trên hết, theo ông, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng những người nghèo và thất nghiệp khác, ngoài những người nghèo cùng cực. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay đã và đang tạo ra những hiệu ứng nghiêm trọng.
Ông Andrew Shepherd nói: “Thế giới hiện có 1 tỷ trẻ em không được đến trường. Trong số đó, nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển không thể tiếp cận với giáo dục trực tuyến”. Theo nghiên cứu của CPAN, chỉ cần thêm một năm học bị chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của hàng tỷ người trên thế giới và làm sụt giảm GDP thế giới 10.000 tỷ USD. Con số này sẽ lớn hơn nếu càng nhiều người trẻ bỏ học vĩnh viễn.
Ông Shepherd chỉ ra nguy cơ bần cùng hóa mới ở các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi nhiều gia đình từng thoát nghèo nay càng dễ bị tái nghèo. Ông Shepherd cho biết, việc bỏ học trong thời kỳ đại dịch dẫn đến những tác động lâu dài và một số hậu quả khó lường trước được. Theo WB, về lâu dài, một nửa số người đói nghèo tăng thêm có thể sẽ là nghèo đói vĩnh viễn. Phát biểu vào tháng 1, ông Børge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhấn mạnh một vấn đề quan trọng khác. Ông cho rằng cần gia tăng đầu tư và thương mại toàn cầu, vì đó là động cơ tăng trưởng đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực trong ba thập niên qua.