Từ chỗ còn nghèo khó, Việt Nam đã vươn lên, là quốc gia có thành tích nổi bật về XĐGN. Trong thành tựu chung mang ý nghĩa lịch sử đó, có sự đóng góp của TPHCM - nơi khởi xướng chương trình XĐGN.
Khai sinh
Sang đầu những năm 90, TPHCM vẫn còn 17% tổng số hộ dân (tức gần 122.000 hộ) nghèo đói. Riêng 6 huyện ngoại thành có hơn 57.000 hộ nghèo; trong đó, có 9.000 hộ phải cứu trợ thường xuyên và 2.000 hộ trắng tay vì thiếu vốn, thiếu đất, không có phương tiện sản xuất. Nhiều hộ sống trong những căn nhà tranh vách lá không cửa nẻo, cứ vạch 4 vách lá mà đi bởi quá rách nát. Thời điểm này, các khu chế xuất - khu công nghiệp bắt đầu hình thành, nhưng một bộ phận thanh niên nông thôn vẫn đứng ngoài hàng rào khu công nghiệp, thiếu việc làm. Không ít hộ gia đình chính sách, những xã anh hùng từng đóng góp nhiều sức người, sức của trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nằm trong số hộ đói nghèo và vùng nghèo.
“Làm cách mạng trường kỳ thành công đều nhờ dân nuôi, dân đùm bọc. Yêu nước là yêu dân. Nhưng người dân - ân nhân của mình, còn cơ cực như thế thì mình phải làm gì để thay đổi chứ?!”, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó ban Nông thôn (Thành ủy TPHCM), vẫn còn nguyên niềm xót xa, trăn trở khi nhớ về câu chuyện từ hơn 25 năm trước.
Ông Thanh cùng các cán bộ tới tận nhà thăm, tặng quà người dân, song nhiều người đã khóc. Người dân không muốn nhận trợ cấp mãi, họ muốn tự sống bằng cái họ có. Tình cảnh cơ cực của cả trăm ngàn hộ dân đòi hỏi TPHCM phải có chính sách, giải pháp cụ thể. Và ông Thanh là một trong những người đầu tiên đề xuất thực hiện công cuộc XĐGN ở TP. Một trong những bước đi đầu tiên của TP chính là thí điểm mô hình vận động tương trợ hộ nghèo vượt khó ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, rồi nhân rộng ra các huyện ngoại thành khác, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo đói.
Từ những thành công ban đầu, vào tháng 10-1992, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã mở cuộc vận động nhanh chóng xóa đói, từng bước giảm hộ nghèo trên toàn TP. Đây là một chủ trương được đánh giá sáng tạo nhưng cũng không kém phần táo bạo và quyết liệt. Chương trình có sự tham gia của toàn xã hội nhằm trao vốn đến tay người cần trao với tinh thần giao vốn để nhân ra vốn, trao lòng tốt để nhân lên lòng tốt.
Lan tỏa
Chỉ qua 6 tháng thực hiện, TP đã huy động được số vốn trên 4 tỷ đồng. TPHCM xác định, chương trình không phải là phong trào xã hội từ thiện, bao cấp đơn thuần mà phải tạo động lực giảm nghèo bằng cách trực tiếp tác động từ các chính sách để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tự tổ chức cuộc sống vươn lên, theo phương châm “không cho cá mà hỗ trợ cần câu và hướng dẫn cách câu cá”.
Sau 3 năm thực hiện chương trình, TP đã không còn hộ đói. Người nghèo được giúp đỡ từ lời động viên đến giúp bằng tiền với lãi suất ưu đãi; bằng giống vật nuôi, cây trồng; được cho mượn đất để trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo tay nghề; giúp xóa nhà dột nát, tạm bợ; xây mới, sửa chữa nhà ở an toàn, tạo các điều kiện cần thiết để vươn lên. Nhiều cán bộ cơ sở đã đội mưa, lội nước mang tiền vốn đến từng hộ gia đình, tiếp sức cho họ vào thời điểm họ đang mong mỏi nhất. Có thể số tiền này không nhiều, lúc đó chỉ 500.000 đồng hay 5 triệu đồng, nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ sức vực dậy cuộc sống của cả gia đình, có khi cả một đời người!
Nhiều hộ gia đình từ cuộc sống lay lắt, đói rách quanh năm do không có đất, không nghề phụ như ông Vũ Văn Dần ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, qua tiếp sức về vốn và nhờ làm ăn cật lực, đã không những hoàn trả toàn bộ số vốn vay mà còn mua được cặp trâu để cày ruộng. Bà Võ Thị Huệ ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, chồng mất sớm, một mình nuôi 4 con nhỏ, không có ruộng đất đã được trợ vốn nuôi bò sữa, vươn lên tự lo liệu cuộc sống, chấm dứt cảnh đời túng quẫn. Người nghèo chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo của chính mình, tự vươn lên và đây chính là yếu tố quyết định thành công của chương trình.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, chia sẻ qua thực tiễn sinh động, TP đã đúc kết và nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là mô hình xây dựng dự án tạo việc làm cho người nghèo; mô hình một chi bộ, chi hội, tổ dân phố, một hộ khá giả trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo, cận nghèo; mô hình cho con em học chữ, học nghề để có việc làm ổn định, giúp gia đình thoát nghèo bền vững…
25 năm qua, từ chương trình này, hàng trăm ngàn hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp bằng nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo thiết thực, đã vươn lên thoát nghèo theo chuẩn nghèo TP từng giai đoạn; bộ mặt các xã - phường ngày càng được đổi thay theo hướng tích cực hơn, khang trang hơn. Nhiều hộ sau khi vượt nghèo, tự nguyện giúp lại những người nghèo khó hơn mình. Nghĩa tình, theo thời gian, cứ thế được nhân rộng ra.
Điều đặc biệt ý nghĩa, chương trình không chỉ trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp chăm lo cho dân nghèo, phát huy sức dân để chăm lo cho dân ở TPHCM. Từ năm 1998, chương trình XĐGN đã lan tỏa, nhân rộng ra cả nước.
Tiên phong giảm nghèo đa chiều
Là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng chương trình XĐGN, 25 năm qua, chương trình giảm nghèo tại TPHCM đã và đang thực hiện qua 5 giai đoạn với 8 lần nâng mức chuẩn nghèo. Mức chuẩn nghèo theo thu nhập hiện nay là từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020 hơn 2 lần và tiệm cận chuẩn nghèo quốc tế (2 USD/người/ngày). Ông Lê Minh Tấn cho hay, đầu năm 2017, TPHCM còn 96.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 4,85% tổng hộ dân toàn TP), trong đó có 50.000 hộ nghèo. Đến cuối năm 2017, TP có khoảng 23.000 hộ vượt chuẩn nghèo; qua đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP còn 1,3% và hộ cận nghèo còn khoảng 1,9%.
Từ năm 2016-2020, TPHCM tiên phong thực hiện giảm nghèo trên toàn địa bàn TP, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc. Trong giảm nghèo đa chiều, TP vừa tập trung giảm nghèo cho người dân về thu nhập, đồng thời giải quyết các thiếu hụt của người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, bảo hiểm... Như vậy, TPHCM tiếp tục đi trước một bước so với lộ trình chung của cả nước trong việc áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều.