Trong thời gian gần đây, các công ty thực phẩm như Impossible Foods, Beyond Meat và nhiều thương hiệu thức ăn nhanh như McDonald’s, Burger King… đã chạy đua “nắn gân” thị trường. Từ hồi tháng 4, Burger King đã bắt đầu “chạy thử nghiệm” phiên bản bánh burger whopper dùng thịt nhân tạo trong khi McDonald’s cũng công bố loại burger “thịt mà không phải thịt” tại Đức.
Nước Mỹ là đất nước tiêu thụ hamburger rất nhiều, song số người ăn chay chiếm rất ít. Tuy nhiên, việc người Mỹ đổ xô săn đón chiếc hamburger chay ngay từ lúc nó xuất hiện như một tia sáng và trang Eater đã cho biết “nó cháy hàng trên diện rộng”. Impossible Food, cha đẻ của Impossible Burger đã thông báo rằng, họ đang cố gắng gia tăng sản xuất hết mức có thể.
Các sản phẩm thịt nhân tạo có nguồn gốc từ thực vật đang ngày càng bán chạy ở các siêu thị và trở thành nguyên liệu ưa chuộng của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, công ty thực phẩm công nghiệp và cả giới đầu tư phố Wall. Ngân hàng JPMorgan Chase, trụ sở tại New York (Mỹ), ước tính, thị trường thịt chay có thể đạt con số 100 tỷ USD (hơn 2,32 triệu tỷ đồng) trong vòng 15 năm tới, còn Ngân hàng Anh Barclays nhận định, sản phẩm này có thể chiếm khoảng 10% toàn bộ thị trường thịt thế giới trong 10 năm nữa.
Ngành công nghiệp thịt chay đang trên đà thuận buồm xuôi gió, khi các sản phẩm liên quan như burger chay hay công ty khởi nghiệp trong ngành đều được thị trường đón nhận. Trang Barron’s nhận định, Impossible Foods và Beyond Meat có thể trở thành “Coca-cola hay PepsiCo của ngành thịt chay”. Nhiều công ty đang đặt cược vào sự thay đổi thói quen ăn hạn chế thịt động vật, vì nhiều lý do như sức khỏe và môi trường. Thời điểm Burger King bắt đầu đưa vào thực đơn món burger chay chỉ vài ngày sau khi báo cáo của Tổ chức môi trường Global Footprint Network cho biết, chúng ta vừa sử dụng hết nguồn lực năm nay của Trái đất chỉ sau 209 ngày. Sau thứ hai, ngày 29-7, Trái đất không còn có thể phục hồi được những gì chúng ta đã lấy đi bao gồm cây ta đã chặt, cá ta đã đánh bắt, khí carbon ta đã thải. Đây là ngày vượt ngưỡng sớm nhất từ trước đến nay.
Theo báo cáo trên, năm nay, tới thời điểm 29-7, con người đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần so với khả năng phục hồi của Trái đất, tương đương với việc cần phải có “1,75 Trái đất” mới có thể đáp ứng được nhu cầu tài nguyên của con người. Mỗi năm, ngày vượt ngưỡng sử dụng nguồn lực Trái đất lại đến sớm hơn một chút. Giờ đây đã sớm hơn 2 tháng so với 20 năm trước. Chúng ta cần dời ngày vượt ngưỡng chậm lại 5 ngày mỗi năm cho đến năm 2050. Báo cáo nêu rõ, “món nợ” sinh thái ngày càng chồng chất dưới hình thức phá rừng, xói mòn đất, mất đa dạng sinh học hoặc tích tụ khí thải CO2trong khí quyển. Thay thế 50% thịt bằng bữa ăn chay sẽ giúp dời ngày vượt ngưỡng 2 tuần đến năm 2050. Giảm 1/2 những chuyến cắt gỗ xuống cũng sẽ tạo ra hiệu quả tương tự.
Trước đây, đã có nhiều tổ chức phi chính phủ tỏ ra quan ngại trước ảnh hưởng của ngành công nghiệp thịt bò với môi trường. Nhưng giờ đây, “new foods” đang góp phần thay đổi điều này với việc chuyển thói quen ăn từ động vật sang thực vật, tất cả vì sự tồn vong của hành tinh.