Thay đổi mạnh mẽ
“Khi đặt câu hỏi làm sao để đạo diễn nữ có tiếng nói trong đoàn làm phim đông nam giới, nghĩa là bạn đã mặc nhiên trong đầu tiếng nói của phụ nữ yếu hơn, ít được quan tâm hơn. Nếu có suy nghĩ đó phải thay đổi. Ở đây, không có giới nào thấp hơn, mà chỉ có tiếng nói nào cần được lắng nghe trên hiện trường”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ quan điểm tại hội thảo trực tuyến In Her Voice tổ chức nhân dịp 20-10.
Trong khi đó, với kinh nghiệm tham gia rất nhiều dự án điện ảnh, truyền hình, đạo diễn - NSND Nhuệ Giang cho rằng, trên phim trường không phân biệt nam hay nữ. Bà cho biết: “Chỉ có một từ duy nhất: đạo diễn. Dù là nam hay nữ phải đảm bảo tiến độ, chất lượng nghệ thuật và tính toán kinh tế để phim đạt được mọi mặt, không đổ bể giữa chừng. Mọi thứ phải thật chỉn chu, khoa học, không để tình trạng phim chưa xong, tiền đã hết”.
Sự hiểu biết và khả năng mạnh mẽ chính là những nhân tố, mà theo NSND Nhuệ Giang, khiến một đạo diễn nữ thuyết phục được các thành viên đoàn phim. Nhà biên kịch kiêm đạo diễn người Thụy Sĩ Petra Volpe cũng cho rằng, điều quan trọng nhất chính là phẩm chất của đạo diễn chứ không phải là giới tính.
Có một điều không thể phủ nhận, cả về lực lượng và sức ảnh hưởng của các nhà làm phim nữ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đang ngày càng được thể hiện mạnh mẽ. Nói như NSND Nhuệ Giang, thời của bà, tỷ lệ nữ học đạo diễn điện ảnh chỉ chiếm 1/10, nhưng hiện nay, nó đã đạt mức 50-50. Thậm chí có năm tỷ lệ sinh viên nữ nhiều hơn, thứ hạng đỗ đầu vào hay đầu ra cao hơn cả nam giới.
Đạo diễn Hoàng Điệp còn đưa ra dẫn chứng vui khi nhiều nhà làm phim dùng cụm từ “giải cứu nam giới”, bởi trong Dự án phim ngắn CJ 2021 có đến 3 phim của nữ đạo diễn được lựa chọn. “Điện ảnh Việt đương đại, nữ giới đã có vai trò, vị trí, tiếng nói, sức mạnh và tài năng”, chị chia sẻ.
Với một nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, bà Yoonhyung Jeon - thành viên nhóm chuyên gia của Công ước UNESCO năm 2005 cho rằng, trong 10 năm qua, các nhà làm phim nữ nước này đã thể hiện được rất nhiều năng lực. Bà lấy dẫn chứng, thành công của Ký sinh trùng có công rất lớn của nhà sản xuất nữ Kwak Sin-ae.
Tương hỗ
Thực tế, thiên kiến về phụ nữ làm phim vẫn tồn tại khắp thế giới. Đạo diễn Petra Volpe cho biết, điều này xảy ra ngay cả ở kinh đô điện ảnh Hollywood, hay các liên hoan phim hàng đầu thế giới. Bà nêu quan điểm: “Tôi nghe được rất nhiều bình luận: Các bạn nữ không làm được phim đâu. Nữ giới thường gặp rất nhiều rào cản và con đường phía trước còn xa. Bình đẳng giới là câu chuyện của bất cứ ngành nghề nào. Với phim ảnh, nó luôn tồn tại ngầm. Phải giải quyết câu hỏi này từ nền tảng cơ bản nhất trong môi trường gia đình”.
Dẫn chứng cho nhận định trên, bà cho biết, ở Thụy Sĩ vài năm trước đây, tỷ lệ nữ giới trong các trường về điện ảnh là 50-50 so với nam giới, nhưng số trụ lại với nghề chỉ có 20%. Chung quan điểm, bà Yoonhyung Jeon cho rằng, dẫu có nhiều thay đổi tích cực, nhưng các thách thức từ khi học trong trường đến khi làm phim ngắn, phim độc lập, hay thương mại vẫn luôn rất lớn. “Đó là môi trường vô cùng cạnh tranh và phải đấu tranh liên tục để giảm tỷ lệ chênh lệch nam - nữ trong điện ảnh”, bà cho biết.
Đứng trước nhiều thách thức, trước hết nhà làm phim nữ luôn cần sự hỗ trợ kịp thời, giống như cách Hàn Quốc thành lập trung tâm bình đẳng giới và đặt mục tiêu đến năm 2022, tài trợ của Chính phủ sẽ chia đều cho cả nhà làm phim nam và nữ.
“Một nhà làm phim trẻ, lại là nữ, cần được ủng hộ, khích lệ nhiều hơn và khơi gợi, tạo cảm hứng để có cơ hội nói ra câu chuyện của mình”, đạo diễn/nhà sản xuất Anne Koizumi chia sẻ. Đạo diễn Hoàng Điệp cũng cho rằng, nhà làm phim nữ luôn cần sự ủng hộ, hỗ trợ thiết thực bằng chính sách, cam kết tài chính, chương trình hành động cụ thể…
"Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một báo cáo chi tiết về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong điện ảnh. Do đó, rất khó để nói về tỷ lệ các nhà làm phim nữ. Càng khó để biết được họ đã nhận được sự hỗ trợ, cơ hội đã đạt được hay mất đi, thậm chí mức lương trong cùng một công việc so với nam giới", Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp |
Một điều quan trọng không kém đó chính là sự chủ động của chính các nhà làm phim. Theo kinh nghiệm của bản thân, đạo diễn Petra Volpe nói: “Tôi luôn khuyến khích các nhà làm phim nữ trẻ đừng đợi ai cho mình cơ hội. Không cần nhà đầu tư lớn, hay sự chú ý đặc biệt, mà cần chủ động tiếp cận nguồn tài trợ để độc lập tài chính khi làm phim”. Bà cũng quan niệm, làm phim là cách để giúp cho thế giới có nhiều hơn sự thấu cảm.