Xóa bỏ đại học “hữu danh vô thực”

Không thể phủ nhận, thời gian qua, giáo dục đại học (GDĐH) phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều kết quả tích cực. Đã có 6 cơ sở GDĐH và 128 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có 2 đại học được vào danh sách 1.000 đại học hàng đầu thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM; 7 đại học được vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên có xu hướng giảm, chiếm 2,57% (135.800 người) ở quý 4-2018 so với 4,12% (215.300 người) ở quý 4-2017… 

Dù vậy, theo thừa nhận của Bộ GD-ĐT, kỹ năng và năng lực ngoại ngữ sinh viên Việt Nam còn thấp. Công tác dự báo chưa được thực hiện bài bản trên quy mô rộng nên đào tạo còn vênh ở mức độ nhất định so với nhu cầu thị trường lao động, chưa đáp ứng tốt sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo trên thị trường lao động.

Trong bối cảnh chung đó, thực trạng còn nhiều trường đại học hiện nay không bảo đảm điều kiện chất lượng đào tạo, thể hiện qua việc hạ điểm chuẩn, “vơ vét” đầu vào với điểm rất thấp, mượn giáo viên cơ hữu... Bên cạnh đó, không ít trường có những sai phạm trong hoạt động, bất chấp quy định để kiếm tiền khiến xã hội mất lòng tin. Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. Từ Hiệu trưởng đến Phó Trưởng phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên của trường này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ 2, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Các học viên với thời gian học “chớp nhoáng”, chỉ cần đóng tiền và chờ vài tuần đến 2-3 tháng là được cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Đáng buồn là người sử dụng văn bằng lại là những người có vị thế trong cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tương tự có thể không chỉ diễn ra ở Đại học Đông Đô, bởi từ lâu, chất lượng của tấm bằng tại chức, văn bằng 2... đã bị xã hội hoài nghi. Ngày 8-8, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD-ĐT Hà Nội. Kết luận thanh tra cũng cho thấy, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của sở, các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ, tiềm ẩn phát sinh phức tạp. Rõ ràng, trong hoạt động GDĐH còn có nhiều vi phạm mà cơ quan quản lý nhà nước, với chức năng hậu kiểm chưa phát hiện và xử lý hết.

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém. Yêu cầu này của Thủ tướng thể hiện rõ rằng, đào tạo đại học là để cho ra những người làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không phải học ra có bằng tượng trưng, do trường kém chất lượng cấp. Đó là yếu kém mà GDĐH phải chấn chỉnh ngay, mà theo Thủ tướng: “Phải kiên quyết nhìn nhận, giải quyết thẳng thắn, nhìn thẳng vấn đề này để tránh mang tiếng”.

Giáo dục đại học hiện nay đứng trước thách thức chất lượng nguồn nhân lực còn thấp nhưng lại thiếu trong các ngành mũi nhọn. Các ngành du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, nông nghiệp thông minh… rất cần nhưng việc đào tạo chưa đáp ứng. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần làm tốt công tác quy hoạch lại mạng lưới GDĐH, tập trung cho các trường đại học vùng, 2 đại học quốc gia, củng cố sắp xếp các trường đại học yếu kém. Song song đó, tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ toàn diện hoạt động GDĐH, đặc biệt là chất lượng đào tạo chính quy, tại chức, liên kết, văn bằng 2, ở tất cả trường đại học trên cả nước. Chỉ có như thế, GDĐH mới có thể đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay và lấy lại niềm tin của xã hội.

Tin cùng chuyên mục