Thực tế, cũng do bệnh thành tích, hầu hết các trường thường tự đặt ra cho mình những chỉ tiêu vượt xa thực tế với mục đích cuối cùng là làm sao thành tích năm sau bắt buộc phải cao hơn năm trước. Thậm chí so sánh với các trường khác và chạy theo thành tích trường bạn đã đạt được và không bao giờ chịu chấp nhận tình trạng “thua chị kém em”.
Và cũng do căn bệnh thành tích này mà nhiều giáo viên đã phải đối mặt bao nhiêu thứ áp lực. Họ luôn vắt óc suy nghĩ cần phải làm sao để lớp không có học sinh yếu, học sinh trung bình vì khi đó chính họ sẽ bị cắt thi đua, trừ khen thưởng cuối năm thậm chí có nơi còn bị kiểm điểm (?)...
Các bậc phụ huynh cũng không ngoại lệ. Tôi đã thử làm cuộc khảo sát bỏ túi thì nhận thấy hầu hết phụ huynh khi được hỏi thì hơn 95% số người đều mong muốn con em mình trong học tập phải luôn được đánh giá là khá, là giỏi. Chả thế nên không ít em học sinh rất e sợ phụ huynh biết mình học kém hay bị điểm thấp. Từng có những bậc cha mẹ tỏ ra giận dỗi, thậm chí đánh đập khi biết con em mình có học lực không tốt…
Vì vậy, để xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục, từ nhà trường cho tới nhận thức của các bậc phụ huynh theo hướng thực tế hơn, tôi cho rằng chúng ta nên thực hiện một số giải pháp như sau:
+ Ngành giáo dục không nên đề ra các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý. Đặc biệt, không nên đề ra các chỉ tiêu về chất lượng với số lượng học sinh khá - giỏi trong từng lớp, khối lớp hoặc của cả nhà trường quá cao với những con số vô hồn, không đúng thực tế. Chỉ yêu cầu chất lượng chung là lớp, khối lớp hoặc nhà trường hoàn thành chương trình với số lượng học sinh đạt yêu cầu được lên lớp hàng năm đúng thực chất. Nghĩa là cần chấp nhận hàng năm chúng ta có một số lượng học sinh lưu ban với một tỷ lệ nhất định trong mỗi lớp hoặc mỗi khối lớp.
+ Nên tổ chức các kỳ kiểm tra theo đúng quy định nhưng gọn nhẹ, giảm tối đa áp lực cho học sinh. Trong năm học, học sinh sẽ phải trải qua một số kỳ kiểm tra. Ví dụ: Kiểm tra định kỳ 1 tiết (cả học kỳ I và II); kiểm tra học kỳ I và II. Qua đó, thầy cô cần đánh giá thực chất việc học hành của học sinh. Khung đánh giá năng lực học sinh cũng phải toàn diện hơn, bởi ngoài điểm số còn là sự tiến bộ của học sinh qua sự dạy bảo, nhận xét khéo léo, chân tình của giáo viên và cả phần tự đánh giá của gia đình cùng các kỹ năng khác.
+ Hiện nay có khá nhiều phong trào và các cuộc vận động mở ra trong suốt niên học. Tuy nhiên, chỉ nên tập trung chủ yếu vào một vài phong trào nhằm nâng cao chất lượng dạy và học và cần thiết luôn tập trung cho phong trào dạy và học. Với các phong trào thi đua khác trong nhà trường, chúng ta không nên chỉ đánh giá thi đua một cách đơn thuần mà cần chú ý đến hiệu quả của giáo dục, cả giáo dục văn hóa, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, hiệu quả của phong trào như thế nào.
+ Hãy để cho nhà trường có thể nghiêm túc sử dụng các hình thức khen thưởng và kỷ luật học sinh căn cứ vào điều lệ các cấp học và quy chế đánh giá xếp loại học sinh. Điều quan trọng nhất là phải lấy sự tiến bộ của học sinh để khen thưởng (nếu có) chứ không nên lấy kết quả học tập của học sinh sau đó chuyển qua đánh giá giáo viên chủ nhiệm và toàn thể đội ngũ giáo viên cần là lực lượng tiên phong trong vấn đề này. Cũng không nên tổ chức xếp hạng thi đua trong nhà trường mà chỉ nên đánh giá giáo viên trong năm học có hoàn thành nhiệm vụ hay không và có thể đề nghị khen thưởng cho một số giáo viên có thành tích nổi bật trong năm học.
+ Gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải hiểu rằng xã hội nào cũng cần “nhân tài” nhưng dĩ nhiên không phải ai cũng dễ trở thành nhân tài. Phụ huynh đừng ép buộc con mình phải là nhân tài; nhà trường đừng đòi hỏi học sinh của mình đều là nhân tài; xã hội đừng đòi hỏi nhà giáo phải đào tạo ra toàn bộ công dân nhân tài; phải giáo dục học sinh ý thức rằng các em học tập tốt để thành công dân tốt và luôn tiếp tục phấn đầu rèn luyện để có thể trở thành nhân tài (nếu được) cho dù còn là học sinh hay sau khi đã ra trường.
+ Các chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng trên cơ sở thực tế, đặc thù của từng bộ môn, từng lớp, từng trường, từng vùng miền... và không nên để các trường phải chạy đua nhau vì thành tích. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dạy, người học, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất; cổ vũ, động viên, tôn vinh sự đổi mới sáng tạo trong dạy và học; tạo môi trường lành mạnh, sự đồng thuận trong trường học và xã hội. Nên động viên các nhà giáo “thi đua” dạy và học, đừng buộc các nhà giáo phải “chạy đua” cho những danh vị với toàn những kết quả ảo!