Còn nặng tính hình thức
Để xây dựng thành phố ngày càng văn minh hiện đại, TPHCM đã đưa ra nhiều đợt vận động. Qua các chương trình, các đợt vận động, TPHCM có được những diện mạo mới, nhiều nơi đã khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhưng hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển từng thực hiện một công trình nghiên cứu đề tài khoa học về việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thông qua việc khảo sát ở quận 5, quận 8. Kết quả cho thấy, vệ sinh - môi trường là lĩnh vực được chính quyền và nhân dân tốn nhiều công sức để cải thiện.
Thực tế, nhiều mô hình đã được thực hiện rất tốt tại các địa bàn dân cư và tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vệ sinh - môi trường không được cải thiện đều. Ở các khu vực trung tâm thường sạch sẽ hơn; những nơi ít có sự giám sát của lực lượng trật tự đô thị và ít có người thực hiện vệ sinh thường xuyên thì vệ sinh - môi trường kém hơn.
Nhìn chung, trong cách thức thực hiện nặng về việc hành chính hóa cuộc vận động, như yêu cầu các địa phương thực hiện theo từng đợt, chọn từng trọng điểm… Điều này có thể dẫn tới, mỗi khi có đợt kiểm tra, các địa phương làm quyết liệt để được đánh giá tốt nhưng sau đó lại lơ là. Thực trạng đã nêu cũng vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của “căn bệnh thành tích”, đang còn tồn tại ở không ít nơi.
Mặt khác, mỗi khi thực hiện các phong trào trong từng đợt vận động, chính quyền địa phương hầu như chỉ tập trung vào những địa bàn điểm để có được kết quả tốt. Các nơi còn lại và những người dân không tham gia vào các hoạt động của chính quyền hay đoàn thể, dường như vẫn còn đứng ngoài cuộc.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức khá mỏng so với các nhiệm vụ họ được giao. Tuy nhiên, vấn đề chính là các cán bộ, công chức dường như chủ yếu thực hiện các phong trào hơn là thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn một cách chuyên nghiệp.
Về phía người dân, kết quả khảo sát cho thấy, người dân phàn nàn về các biện pháp khắc phục hiện tượng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Theo họ, thay vì tập trung nguồn lực vào việc triển khai các biện pháp kỹ thuật, cơ sở vật chất hay các hoạt động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu hành vi xả xác, chính quyền địa phương quá chú trọng vào việc huy động người dân dọn dẹp, nhất là những khi có kiểm tra, giám sát. Điều này cũng phần nào khẳng định, các hoạt động còn nặng tính hình thức và thiên về thành tích.
Lấy kết quả đo trách nhiệm công chức
Người dân tại các địa bàn khảo sát bày tỏ sự không hài lòng đối với những hành vi không phù hợp trong việc ứng xử với môi trường xung quanh. Song, hầu hết họ không có thái độ phản đối và không xem việc nhắc nhở người khác là “nhiệm vụ” của họ. Trong khi đó, việc chế tài để điều chỉnh hành vi giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường sống chưa được thực hiện nghiêm túc.
Các tiểu thương đánh giá cao vai trò của lực lượng trật tự đô thị vì luôn nhắc nhở và giám sát họ. Xử phạt là yếu tố tích cực trong việc điều chỉnh hành vi của các tiểu thương. Họ không chỉ sợ tiền phạt mà còn sợ mất cơ hội được kinh doanh. Đối với người buôn bán nhỏ trên đường, do khó điều chỉnh hành vi của họ hơn nên lực lượng chức năng thường chọn cách “xua đuổi” hơn là xử phạt.
Lực lượng chức năng cũng dễ “nắm tóc” các tiểu thương khi trước quầy hàng của họ mất vệ sinh hơn là phạt những người xả rác nơi công cộng. Do vậy, những người buôn bán thì thường giữ vệ sinh trước cửa hàng của mình nhưng những nơi khác, nhất là những nơi vắng người thì rác thải vẫn rất bề bộn. Phải chăng, đa phần các trường hợp xả rác ra công cộng không bị phạt nên người dân không thay đổi hành vi xả rác?
Ở một số khu vực dân cư, kết quả khảo sát cũng cho thấy, lực lượng trật tự đô thị, tổ trưởng tổ dân phố và nhân viên vệ sinh/rác dân lập có tác động lớn đến việc thay đổi hành vi giữ vệ sinh của người dân. Riêng người nhập cư do ít tham gia các cuộc họp và các buổi sinh hoạt cộng đồng nên tổ trưởng tổ dân phố và cộng đồng không ảnh hưởng nhiều tới họ. Tuy nhiên, lực lượng trật tự đô thị và những người làm công tác vệ sinh môi trường thì khác, vì người dân sợ bị phạt. Điều này đã tác động lớn, giúp họ cân nhắc hơn cho những lần định vi phạm sau đó.
Như vậy, nếu chế tài được thực hiện thường xuyên thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hành vi xả rác bừa bãi, từ đó góp phần hình thành nếp sống văn minh đô thị. Mặt khác, cần gắn chặt trách nhiệm của cán bộ, công chức hơn, bằng cách xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong từng vị trí của hệ thống quản lý và giám sát xã hội. Cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu hình phạt tương ứng, chứ không nhận đánh giá chung chung “không hoàn thành nhiệm vụ”. Ở đây, một lần nữa lại liên quan tới giải pháp tăng cường năng lực đối với người thừa hành công vụ.
Luật sư HÀ HẢI: Phạt nghiêm để răn đe và ngăn ngừa xả rác bậy Lâu nay, TPHCM đã có nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định để giữ gìn mỹ quan đô thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vào những đợt cao điểm, các ngành, các cấp ra quân rầm rộ. Nào là chạy xe phát loa, căng băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền và gắn bảng cấm cùng với việc thông tin hình thức xử phạt người xả rác ra nơi công cộng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít trường hợp chưa có ý thức bảo vệ môi trường, tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch vẫn khá phổ biến. Luật sư Hà Hải Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thì cũng phải thực hiện nghiêm các hình thức chế tài. Theo Điều 20 Nghị định 155/2016 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng hoặc khu chung cư, thương mại, dịch vụ sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc hệ thống thoát nước thải sẽ bị phạt tiền 5 - 7 triệu đồng. Mức phạt trên là không thấp, nên nếu công tác kiểm tra, xử phạt được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đồng thời với giải pháp tuyên truyền, sẽ tạo chuyển biến tích cực và nhanh chóng hơn. Việc xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm sẽ có tác dụng răn đe lớn không chỉ đối với người vi phạm mà còn có tác dụng cảnh báo hiệu quả đối với những trường hợp khác. Như vậy, thông qua xử phạt sẽ giúp ngăn ngừa được các hành vi vi phạm có thể phát sinh trong tương lai. Tuy vậy, đối với hành vi xả rác ra công cộng thì việc xử phạt không được tập trung, thậm chí có nơi còn buông lỏng và chỉ thực hiện theo đợt, theo phong trào. Chính việc xử phạt chưa được tập trung, thực hiện không kịp thời và thiếu kiên quyết nên không tạo được sự răn đe, dẫn đến công tác xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao. Sự “lờn luật” cũng xuất phát từ đây, và vì thế nhiều người vẫn không e ngại nên vô tư xả rác. Để thay đổi thói quen xả rác không đúng nơi quy định phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, từ tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để người dân xả rác đúng nơi quy định đến tập trung xử phạt những trường hợp vi phạm. Lưu ý rằng, để thay đổi thói quen cần có thời gian, nên các biện pháp nêu trên, trong đó có xử phạt nghiêm người vi phạm, phải được thực hiện một cách thường xuyên, không thực hiện theo đợt, theo phong trào. KIỀU PHONG ghi |