Dịch bệnh tăng, giá giảm
Di chuyển trên đường Hồ Chí Minh để đến 2 thủ phủ hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai là Chư Sê và Chư Pưh, chúng tôi ngỡ ngàng bởi những vựa hồ tiêu xanh tốt, trải dài qua nhiều ngọn đồi ngày nào, nay chỉ còn trơ trụ gỗ. Trên đường vào xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, nhiều vườn hồ tiêu đã bị xóa sổ do dịch bệnh. Anh Phạm Văn Thương (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) chua xót kể, gia đình anh có 5 sào với khoảng 1.000 trụ hồ tiêu. Trước đây, vườn hồ tiêu này được người dân trầm trồ khen ngợi bởi hồ tiêu phát triển tốt và quả sai chi chít. Thế rồi năm 2016, vườn hồ tiêu bỗng dưng chết trụi, tìm đủ loại thuốc cứu chữa cũng không thành công. Bây giờ, số tiền 200 triệu đồng mượn người thân để đầu tư vườn, gia đình anh Thương không biết lấy đâu để trả.
Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, buồn rầu: “Hồi xưa hồ tiêu có giá, dân ồ ạt trồng, cao điểm năm 2014, diện tích trồng hồ tiêu lên đến 1.000ha. Tuy nhiên sau đó hồ tiêu chết dần, chết mòn. Cuối năm 2018, xã thống kê lại thì chỉ còn trên dưới 100ha nhưng năng suất không còn cao và mùa khô năm nay có nguy cơ gần như xóa sổ”.
Đến xã “tỷ phú hồ tiêu” Nâm N’Jang (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), mặc dù đang mùa thu hoạch nhưng không khí ở đây vắng lặng đến lạ thường. Những ngôi biệt thự có sân phơi lớn đều để trống bởi hồ tiêu đã chết gần hết, không còn gì để thu hoạch. Đi theo con đường vào trung tâm xã, phóng tầm nhìn ra xa, những ngọn đồi trước đây bạt ngàn hồ tiêu thì nay lại xơ xác, hoang tàn, trơ trụi dây hồ tiêu chết rũ. Hai bên đường, hàng trăm biển bán đất, bán nhà, bán cả trụ tiêu được treo ngang dọc trên các cành cây, khúc gỗ… Liên hệ theo địa chỉ để mua trụ tiêu, bà Phạm Thị Đào (thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang) chào mời: “Nhà tôi có hơn chục ngàn trụ tiêu thẳng, đẹp. Anh mua tôi bán liền”. Hỏi nguồn gốc trụ tiêu đang chào bán, bà Đào cho biết, mấy năm trước, nhà trồng 13ha với 16.000 trụ, thu nhập mỗi vụ 30 - 35 tấn hồ tiêu. Nhưng 2 năm nay hồ tiêu chết sạch, tiền đầu tư 2,5 tỷ đồng chưa trả được, nên đành bán trụ để gom tiền trả lãi.
Ông Trịnh Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, cho hay hồ tiêu chết và rớt giá khiến nhiều hộ dân trong xã điêu đứng vì nợ ngân hàng, tiền lãi còn không có để trả. Ước tính toàn xã hiện có khoảng 80% hộ dân trồng hồ tiêu đang nợ ngân hàng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại tỉnh Đắk Nông, đến cuối năm 2018 có hơn 1.800ha hồ tiêu bị chết, trên 2.600ha nhiễm bệnh. Tại tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm đầu năm 2019, có hơn 2.000ha hồ tiêu bị chết. Còn tại tỉnh Gia Lai, diện tích hồ tiêu chết trong năm 2018 hơn 4.900ha.
Cùng với tình trạng hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, giá hạt hồ tiêu liên tục lao dốc trong vài năm qua càng khiến người trồng hồ tiêu lao đao. Nhiều vườn hồ tiêu chín đỏ nhưng không ai thu hái vì tiền bán không đủ thuê nhân công. Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), cho biết giá hồ tiêu dao động từ 42.000 - 44.000 đồng/kg thời gian qua là mức thấp nhất trong các năm, người trồng không có lời. Nhiều vườn hồ tiêu chết hoặc suy kiệt nhưng nông dân không chăm sóc mà chuyển sang trồng chanh dây, sachi hoặc các cây ngắn ngày để cải tạo đất. Còn với diện tích hồ tiêu đang thu hoạch hiện nay, cũng vì giá quá thấp, nên để hạn chế chi phí, người dân một số nơi hái cả quả chín lẫn quả xanh chứ không hái nhiều đợt như hồi giá hồ tiêu còn cao. Điều ngày khiến chất lượng, giá trị hồ tiêu sẽ thấp.
Hướng đi nào?
Theo ông Hồ Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai), giá hồ tiêu biến động mạnh trong thời gian qua đã được ngành chức năng dự báo từ nhiều năm trước. Việc giá giảm do quy luật cung - cầu. Khi một mặt hàng nào đó sản xuất ra quá nhiều so với nhu cầu tiêu dùng thì giá trị mặt hàng đó sẽ giảm. Đối với hồ tiêu, thời điểm giá tăng cao thì người dân ồ ạt mở rộng diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng đột biến khiến nguồn cung vượt cầu. Hồ tiêu không còn được thị trường thế giới tiêu thụ mạnh nên việc biến động giá cũng là quy luật. Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới và theo đánh giá của các ngành chức năng, sản lượng hồ tiêu tồn trong nước và trên thế giới còn rất lớn, do đó khả năng từ 3 - 5 năm nữa, giá hồ tiêu mới tăng trở lại.
Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng thực trạng hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên hiện nay là một bài học cảnh báo cho nông dân về việc sản xuất chạy theo thị trường mà phát triển diện tích cây trồng vượt quy hoạch, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tiến sĩ Trương Hồng khuyến cáo: “Trước thực trạng này, cần phải quy hoạch lại diện tích cây trồng, thay thế diện tích hồ tiêu chết bằng các loại cây trồng có hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng. Người dân nên áp dụng các biện pháp sản xuất theo hướng tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất, như canh tác hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ đất. Với giá hồ tiêu hiện nay, các nông hộ trồng sẽ không có lãi, thậm chí lỗ nặng nếu tiếp tục đầu tư trong thời điểm này. Những khu vực phù hợp, người dân cố gắng chăm sóc, giữ lại vườn hồ tiêu và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để ngăn ngừa sâu bệnh hại vườn cây. Ngành chức năng và địa phương phải tạo điều kiện tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất, canh tác, phòng chống dịch bệnh; khuyến khích nông hộ tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch để giải quyết đầu ra cho sản phẩm”.
Ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), cho biết trên địa bàn xã có khoảng 1.400 lao động đã rời địa phương đi làm ăn xa để trang trải cuộc sống và kiếm tiền trả lãi ngân hàng do trồng hồ tiêu thua lỗ. Có 40 hộ gia đình bỏ nhà vô Nam tìm cách mưu sinh vì hồ tiêu chết hết và nhà cửa đã bị ngân hàng niêm phong. Ước tính dân còn nợ các ngân hàng trên 250 tỷ đồng, hầu hết trong số đó đều không có khả năng trả. |