Thời gian trôi qua, bệnh phong dần thành quá vãng, các thế hệ con cháu của y bác sĩ, bệnh nhân phong nơi đây sinh ra và lớn lên, quần tụ thành khu dân cư. Thế nhưng, đến nay làng phong này vẫn bơ vơ, chưa có tên gọi chính thức, khiến người dân phải chịu rất nhiều thiệt thòi.
Chúng tôi lặn lội tìm về làng phong. Trước đây, muốn tới được làng phải len lỏi qua những con đường nhỏ ngoằn ngoèo, vượt qua núi Ông Giảng. Làng phong như ốc đảo, xung quanh là núi, trước mặt là biển. Bây giờ, đến làng phong khá thuận lợi, theo con đường mới mở từ quốc lộ 1A xuống cảng Đông Hồi, vượt đèo Ông Giảng, rẽ xuống là tới nơi. Làng phong giờ không còn mang nét u buồn của một nơi từng biệt lập với thế giới bên ngoài. Con đường bê tông chạy giữa những hàng dừa, hàng phi lao ven biển làng. Làng đã xuất hiện những ngôi nhà xây kiểu biệt thự, nhà tầng khang trang. Dọc đường, gặp những người già, thanh niên, các cháu bé, ai cũng thân thiện, thấy người lạ là chào hỏi, tươi cười như đã thân quen.
Ông Nguyễn Thế Định (56 tuổi), người được xem là xóm trưởng, kể, bố ông người Hà Nam, mẹ người Hải Phòng. Hai ông bà là bệnh nhân đến đây điều trị, rồi lấy nhau, sinh ra ông. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hợp, cũng là con của bệnh nhân phong, quê Nam Đàn (Nghệ An). Hai ông bà lấy nhau và sinh được 2 cháu, cháu lớn đã ra trường còn cháu nhỏ đang học. Cơ sở điều trị phong tại đây (sau này là bệnh viện) được thành lập từ năm 1957. Nơi đây điều trị cho người đến từ nhiều nơi, trong đó có cả người Lào và Campuchia.
Từ khi thành lập, đến nay đã có mấy thế hệ con cháu của y bác sĩ và bệnh nhân được sinh ra. Hiện làng có 177 hộ với 410 nhân khẩu. Trong số này có 73 hộ tách riêng, sống bên ngoài, còn lại là các hộ ở nội trú trong khu điều trị. Ông Định than thở: “Cả trăm hộ, ăn ở, làm nhà làm cửa ổn định hàng chục năm, nhưng đến giờ vẫn chưa có sổ đỏ. Còn làng thì không có nổi một cái tên. Dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần rồi, nhưng sổ đỏ vẫn không, tên làng cũng không”.
Năm 2014, ông Định được bệnh viện chỉ định làm xóm trưởng. Vợ ông cũng làm Chi hội trưởng Phụ nữ xóm. Hai vợ chồng đứng ra giúp dân là chính, vì “lương” tháng của ông năm 2014 là 80.000 đồng, đến năm 2020 được nâng lên 200.000 đồng, còn vợ ông được 20.000 - 30.000 đồng.
Cũng từ khi vợ chồng ông Định tham gia công việc thì làng phong mới tạm được gọi là có tổ chức. Nếu không có vợ chồng ông đứng ra bảo lãnh thì nhiều chế độ chính sách không thể về được ốc đảo này. Đơn cử như người dân muốn vay vốn ngân hàng để làm ăn, vì không có sổ đỏ, không có tên xóm nên ngân hàng không cho vay.
Ông Định bàn với dân lấy tên xóm là Đồng Mỹ, nhưng thực chất tên này là nơi ở của y bác sĩ bệnh viện phong ngày xưa, nằm ở khu vực khác, không liên quan đến làng phong. Lên xã, lãnh đạo xã thương tình nên đóng dấu xác nhận. Nhưng có lần ngân hàng phát hiện ra đây không phải xóm Đồng Mỹ, bắt ghi là “xóm bệnh viện”, lãnh đạo xã thương dân nên lại phải ký xác nhận. Điều ông Định mong mỏi nhất hiện nay là làng có tên hành chính chính thức, người dân được cấp sổ đỏ, được đảm bảo các quyền lợi bình thường.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập Hồ Sỹ Hoàng cho hay, nguyện vọng của người dân làng phong là rất chính đáng. Về việc này, xã đã đề nghị cấp trên nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông Hoàng chia sẻ: “Về danh nghĩa, người ở làng phong thuộc bệnh viện, thuộc Bộ Y tế, nhưng thực tế mấy thế hệ sống ở đây, sinh ra lớn lên ở đây, hộ khẩu và chứng minh nhân dân đều thể hiện là người Quỳnh Lập. Vì chưa thành một đơn vị hành chính thuộc xã nên chúng tôi không thể điều hành được việc ở làng phong, giúp người dân làng phong. Đơn cử như, con em đi làm xa, về quê xác minh để kết nạp Đảng thì lại phải nhờ Chi bộ thôn Đồng Thanh, cách đó khá xa. Ngày của người cao tuổi, các cụ nơi đây bơ vơ vì không có tiêu chuẩn, xã phải mời các cụ lên trao quà động viên. Ngay cả việc lấy tên xóm Đồng Mỹ khi làm giấy tờ thì tên này không phải của làng phong, nhưng chúng tôi vẫn ký xác nhận, vì nếu không thì thiệt thòi cho dân, dân không được hưởng các chế độ chính sách!”.