Chúng tôi vào bộ phận văn phòng, hỏi số điện thoại chủ tịch UBND xã là ông Hồ Thành Đạt, thì được một cán bộ tên Phước chỉ sang phòng tiếp công dân “Anh qua đó mà hỏi”. Tuy nhiên, chúng tôi sang phòng tiếp công dân chỉ thấy đóng cửa, khóa ngoài, không ai tiếp.
Vòng về văn phòng UBND xã hỏi lại thì cũng cán bộ Phước lại bảo: “Qua gặp cô áo trắng ở bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ”. Qua gặp cô áo trắng lại được chỉ ngược trở lại cán bộ Phước ở văn phòng UBND xã. “Anh gặp chủ tịch xã làm gì, sáng nay đi họp hết rồi”, cán bộ Phước nói.
Tôi xuất trình giấy tờ và nói rõ cần số điện thoại chủ tịch UBND xã để liên hệ đăng ký làm việc. “Giấy giới thiệu của anh đâu? Phải có giấy giới thiệu tôi mới cung cấp số điện thoại của chủ tịch xã. Đây là quy định rồi (!?)”, cán bộ Phước gằn giọng nói.
Dù đã xuất trình giấy tờ và giải thích nhưng cán bộ Phước vẫn không nghe, cương quyết yêu cầu phải có giấy giới thiệu mới cung cấp số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Hồ Thành Đạt. Cán bộ Phước còn giảng giải, nếu gặp với tư cách là công dân của xã, muốn xin số điện thoại chủ tịch xã thì phải nói rõ cụ thể gặp về việc gì mới cung cấp được…
Trao đổi qua điện thoại với bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, để phản ánh về những khó khăn khi tới làm việc tại UBND xã Tân Thông Hội, bà Phạm Thị Thanh Hiền, nói: “Anh còn ở xã thì đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với cán bộ văn phòng”. Sau cuộc nói chuyện với Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, cán bộ Phước mới chịu đọc cho tôi số điện thoại của Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội.
Để kịp thời lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TPHCM thời gian qua thường niêm yết lịch tiếp công dân trong tuần, tháng của lãnh đạo và công khai số điện thoại của lãnh đạo để người dân tiện liên hệ khi cần gặp. Thế nhưng, không hiểu sao ở xã nông thôn mới Tân Thông Hội, người dân muốn liên hệ qua điện thoại với người đứng đầu chính quyền cơ sở lại khó đến thế! Chẳng lẽ, xã nông thôn mới Tân Thông Hội lại mình ên làm “kiểu mới”!?