Xin giải thích ý nghĩa của từ “phen” trong câu thơ “Chẳng phen Tạ nữ cũng tày Từ phi”

Hỏi:

Hỏi: Xin giải thích ý nghĩa của từ “phen” trong câu thơ “Chẳng phen Tạ nữ cũng tày Từ phi” (Lục Vân Tiên, câu 226).
Ngọc Dung (Đại học Dân lập Cửu Long)

Phen là một động từ cổ, có hai nghĩa: 1. Sánh, bì. Câu thơ trên nằm ở đoạn Kiều Nguyệt Nga làm thơ tạ ơn Lục Vân Tiên cứu mạng. Đọc thơ, Lục Vân Tiên khen sự thông minh của nàng chẳng kém gì Tạ Đạo Uẩn, đời Tấn và tài thơ cũng bằng (tày) Từ Huệ phi, ái phi của Đường Duệ Tông, tức Lý Đán. Xin nêu thêm một số thí dụ để thấy rõ hơn nghĩa này:

– Bằng rồng nọ ai phen kịp.
(Nguyễn Trãi – Quốc âm thi tập, bài 180)

– Danh thơm thượng uyển còn phen kịp
(Nguyễn Trãi – Quốc âm thi tập, bài 217)

– Thế ắt khôn bì, người ắt khôn phen
(Thiên Nam Ngữ Lục – câu 4002)

– Tiết cứng khá phen quân tử trúc
(Hồng Đức quốc âm thi tập, phẩm vật, bài 57)

– Chẳng phen Sào Phủ, cũng bì Hứa Do.
(Nguyễn Đình Chiểu – Dương Từ Hà Mậu, câu 526)

2. Bắt chước

– Nhảy nhót phen chi ếch thấy dào
(Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bạch Vân quốc ngữ thi, câu 63)

– Chẳng phen thói nước Trịnh đâu
 Hẹn người tới giữa vườn dâu tự tình
(Nguyễn Đình Chiểu – Lục Vân Tiên, câu 1591 – 1592)

Từ phen này kết hợp với từ lê thành từ ghép phen lê, có hai biến âm là phăn lê và phân lê, có hai nghĩa:

a. Ganh tị, suy bì, tị nạnh.

– Chớ chớ phen lê khi chử đậu
Anh em thỏa thuận phúc nhà lành.
(Hồng Đức quốc âm thi tập, Nhân đạo, bài 39)

b. Bì, sánh.

Tuy rằng thú cũng hai giống thú.
Thú nhỏ tao ai dám phen lê?
(Lục súc tranh công, câu 212 – 213)

Ngày nay, một biến âm của phen là phân còn sử dụng trong từ ghép phân bì, nghĩa là “so sánh hơn thiệt, cho rằng người nào đó được hơn mình và tỏ ý không bằng lòng” (Hoàng Phê chủ biên, Từ điển tiếng Việt, 2000).

PGS.TS Lê Trung Hoa

Tin cùng chuyên mục