Xin giải thích cách gọi khác nhau giữa các vua triều Lý, Trần, Hậu Lê…với các vua triều Nguyễn

Hỏi:
Xin giải thích cách gọi khác nhau giữa các vua triều Lý, Trần, Hậu Lê…với các vua triều Nguyễn

Hỏi: Xin giải thích cách gọi khác nhau giữa các vua triều Lý, Trần, Hậu Lê… (Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Trần Thái Tông, Nhân Tông, Anh Tông…) với các vua triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng).
Trương Tuấn Kiệt (Q5, TPHCM)

Sự khác biệt dễ nhận thấy trong hai cách gọi là:

1- Các vua triều Lý, Trần, Hậu Lê… được gọi theo cách ghép tên triều đại và miếu hiệu.
Ví dụ: Lê (triều đại) + Thái Tổ (miếu hiệu)
Trần (triều đại) + Nhân Tông (miếu hiệu)

Xin giải thích cách gọi khác nhau giữa các vua triều Lý, Trần, Hậu Lê…với các vua triều Nguyễn ảnh 1

Vua Gia Long

Miếu hiệu là tên hiệu của nhà vua được đặt sau khi chết để thờ cúng. Miếu hiệu bao giờ cũng có chữ “Tổ”, “Tông” ở cuối. Chữ “Tổ” được dùng cho vị vua sáng lập triều đại (Lý Công Uẩn = Lý Thái Tổ; Lê Lợi = Lê Thái Tổ…). Trường hợp nhà Trần có khác. Trần Cảnh, vị vua sáng lập chỉ được đặt là Thái Tông vì miếu hiệu “Thái Tổ” đã dành cho Trần Thừa là cha của Trần Cảnh. Chữ Tông dành cho các vua kế tiếp: Thánh Tông, Anh Tông, Huệ Tông v.v…

2- Các vua nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn lại được gọi theo niên hiệu (tên hiệu của năm). Niên hiệu được đặt để ghi thời gian (tính bằng năm) trị vì của nhà vua. Niên hiệu được khắc trên đồng tiền, được ghi trên giấy tờ.

Ví dụ: Năm 1802 được ghi trên giấy tờ là Gia Long năm thứ nhất vì Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua ở Phú Xuân (Huế) năm 1802 và đặt niên hiệu là Gia Long. Các vị vua kế tiếp, dù lên làm vua ngay khi vị tiên đế băng hà (mất) nhưng chỉ dùng niên hiệu mới cho năm kế tiếp.

Ví dụ: Vua Thiệu Trị mất 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (4-10-1847). Hoàng tử Hồng Nhậm lên làm vua ngay sau đó và đặt niên hiệu mới là Tự Đức. Niên hiệu này chỉ bắt đầu vào năm sau là năm Mậu Thân (1848) nên Tự Đức năm thứ nhất là năm 1848.

Các vua triều Tây Sơn cũng được gọi theo niên hiệu: vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), Quang Trung (Nguyễn Huệ), Cảnh Thịnh (Quang Toản).

Điều đáng lưu ý là trong 13 vua triều Nguyễn thì có một tên gọi không phải là niên hiệu đó là vua Dục Đức (1883). Hoàng trưởng tử Ưng Chân chỉ làm vua có 3 ngày nên niên hiệu chưa được công bố thì bị phế. Người sau gọi vua Ưng Chân là vua Dục Đức là lấy theo tên nhà học của vua khi còn là hoàng tử: Dục Đức đường.

Các vua nhà Nguyễn tất nhiên cũng có miếu hiệu sau khi mất nhưng không dùng để gọi.

Khánh Tường

Tin cùng chuyên mục