Tất nhiên, vụ này khác vụ kia về bản chất, song chúng ta không thể không lo lắng trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống khi đồng tiền - như trong một bài hát của Bob Dylan (từng đoạt giải Nobel về văn học) - đã không còn thủ thỉ mà hét to, phá nát sự thanh bình của cuộc sống.
Nhưng mổ xẻ kỹ vụ này, cùng hàng loạt vụ khác có liên quan đến giới người mẫu, diễn viên, người tinh ý nhận xét, các cơ quan cảnh sát điều tra và truyền thông đại chúng đã nhầm lẫn khi gán ghép cho họ danh xưng họ không đáng được hưởng. Chúng ta đều biết, những người hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật thuộc một “thế giới khác” với tài năng thiên bẩm, khả năng sáng tạo, sự nhạy cảm với cái đẹp thuần khiết và trên hết là sự hóa thân hoàn hảo khiến ta cười, ta khóc, tạo ra niềm tin về một ngày mai tươi sáng . Đó là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ khác cái gọi là “nghệ sĩ” trong đường dây mua bán dâm kể trên.
Thật sự mà nói, cô B.A. kia được truyền thông mạng xới tung đến từng cái khuy áo, với danh xưng mỹ miều “diễn viên truyền hình nổi tiếng” chỉ xuất hiện thoảng qua đâu đó trên màn ảnh nhỏ, có chăng trên một MV ca nhạc mà ai có tiền đều có thể tự thực hiện. Có ai nhớ dù vai phụ nhỏ nhoi nhất trong phim có sự tham gia của B.A? Không và không. Nhớ tới người nghệ sĩ, ta nhớ tới vai diễn để đời của họ. Còn B.A chỉ như trong một vai quần chúng kiểu vai zombie (xác sống) trong các phim bom tấn của Hollywood và như vậy, không có quyền xếp cô ta vào hàng ngũ nghệ sĩ.
Sự rạch ròi là cần thiết trong lúc này, để tránh hiểu lầm cứ người mẫu, diễn viên là bán dâm giá cao, cứ tốt nghiệp các trường nghệ thuật là có “nguy cơ cao” trong lĩnh vực kinh doanh xác thịt. Phải gọi thẳng tên như trong các bộ phim “Vòng eo 56” của Vũ Ngọc Đãng, “Tối nay, 8 giờ” của Lê Hoàng… là chuyện tình - tiền - danh vọng của chân dài và đại gia, hay là kiều nữ bán dâm.
Một khía cạnh khác của vụ án kể trên, các danh xưng hoa khôi, á khôi là thật hay chỉ là hình thức nâng giá trong các cuộc mây mưa xác thịt. Ai cũng biết, các cuộc thi kiểu này nhiều không kể xiết, từ thôn xã, quận huyện đến cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cục Nghệ thuật biểu diễn phân bua, cục không cấp phép và các “tú bà” trong vụ ở TPHCM là á khôi sắc đẹp “chui”, không phải là thật, là có vương miện đàng hoàng.
Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã phạt công ty này 50 triệu đồng vì tổ chức thi không phép trong một cuộc thi nhan sắc mà á hậu sau đó đã ném luôn vương miện… vào sọt rác. Rõ ràng, hoạt động thi thố sắc đẹp như vậy cần được quản lý hết sức chặt chẽ, từ khâu cấp phép đến tổ chức trong thực tế, chứ không phải đã “lỡ” rồi thì chỉ phạt số tiền cho có lệ.
Cuối cùng, cũng phải nói thật là hãy bớt đi những lời đao to búa lớn, bớt đi cách xưng hô khiếm nhã về “người nổi tiếng” mà chúng ta đang lạm dụng. Có ai hình dung được một giọng ca khều khào, hơi không ra hơi, bỗng dưng một ngày đẹp trời thoắt biến thành Diva như ở Việt Nam? Và hết Diva này đến Diva kia, cả một rừng Diva. Có lẽ học giả Hoàng Tuấn Công sau khi hiệu đính cuốn từ điển của cụ Nguyễn Lân sẽ phải hiệu đính, giải thích cặn kẽ hơn nữa những từ mới phát sinh trong cuộc sống thị trường như từ “nghệ sĩ” và Diva!