Quan điểm giáo dục “thương cho roi cho vọt” vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình, tạo cơ hội cho việc xâm hại thân thể và tinh thần con trẻ.
Qua vụ việc bạo hành dẫn đến tử vong của bé N.T.V.A., trên các diễn đàn, mạng xã hội, đông đảo phụ huynh đã lên án hành động bạo hành thể xác và tinh thần trẻ em, qua đó thể hiện quyết tâm cùng chung tay xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn cho con trẻ. Ở nhiều lớp học, ban đại diện cha mẹ học sinh đã truyền đi thông điệp “Don’t be quite!” (Đừng im lặng!). Khi phát hiện hành vi hay tình tiết bất thường của học sinh trong lớp, phụ huynh cần nhanh chóng phản ánh để phối hợp với thầy cô giáo và ban giám hiệu nhà trường tìm hiểu, có phương án trao đổi với gia đình giúp trẻ sớm thoát khỏi tình trạng bị lạm dụng hoặc bạo hành. Chị Minh Anh, phụ huynh có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho rằng, cần dạy trẻ hiểu rằng không ai, kể cả cha mẹ được quyền xâm phạm cơ thể con. Các bậc phụ huynh khi đưa đón con hoặc tiếp xúc với trẻ em khác trong khu vực mình đang sinh sống, nếu thấy có biểu hiện trẻ bị ngược đãi, uy hiếp cần lên tiếng ngay, không nên cho rằng “việc không phải của mình” mà vô tình tiếp tay cho tội ác.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước quyền trẻ em nhưng các vụ trẻ bị bạo hành vẫn xảy ra liên tục. Thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý phải hành động mạnh mẽ hơn để có chính sách cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em, trong đó quy định trách nhiệm của từng bên liên quan (cảnh sát khu vực, tổ dân phố, các hội đoàn, trường học, cơ sở y tế…), đồng thời đảm bảo chính sách được thực thi một cách mạnh mẽ, quyết liệt để không còn những câu chuyện đau lòng như thời gian qua.