Hỏi: Ở tỉnh Bình Thuận có tới vài chục địa danh hành chính mang từ Hàm ở trước như Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Trí, Hàm Nhơn… Tôi có tra từ điển tiếng Việt và từ điển Hán – Việt, không thấy có từ “hàm” nào có thể dùng để giải thích ý nghĩa của từ “hàm” trong các địa danh trên. Xin cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của từ “hàm” trên.
Nhan Thị Trâm (Đồng Nai)
Trong Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh, có 7 từ “hàm”: 1. Ngậm ở trong; khoan dung nhẫn nại. 2. Ngậm ở trong miệng; cái khớp miệng ngựa; cấp bậc; tình không thể quên. 3. Đều, hết thảy. 4. Phong thư; cái bao, cái tráp. 5. Ao hồ nhiều; dung nạp. 6. Vị mặn; 7. Cái cằm, cái cam hàm (menton).
Trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên) chỉ có một từ “hàm” có nghĩa là “phần xương ở vùng miệng, có chức năng cắn, giữ và nhai thức ăn, như hàm răng, hàm trên”. Theo Lê Ngọc Trụ (trong Tầm nguyên tự điển Việt Nam, NXB TPHCM, 1993), từ “hàm” này bắt nguồn từ từ “hàm” thứ bảy của tiếng Hán.
Theo ý kiến cá nhân, cả 7 từ “hàm” trên không thể kết hợp với các thành tố ở sau để tạo nên các địa danh trên. Từ hàm trong các địa danh trên bắt nguồn từ một từ của tiếng Chăm là hamu, có nghĩa là “ruộng”. Sở dĩ chúng tôi khẳng định như thế vì những nguyên nhân sau đây:
– Đây là vùng đất có nhiều đồng bào Chăm sinh sống lâu đời.
– Trong cuốn Dictionnaire Căm – Vietnamien – Français (1971), Moussay đã liệt kê hàng loạt địa danh Chăm có từ đứng trước là Hamu tương ứng với địa danh Việt:
Hamu Linưng – Đắc Nhơn
Hamu Lithit – Phan Thiết
Hamu Thôn – Vạn Phước
Hamu Rimong - Tôn Thành
Hamu Ram – Mông Đức…
Ở vùng có các dân tộc Thái, Tày, Nùng… cư trú tại Tây Bắc Bắc bộ cũng có hiện tượng tương tự: Hàng loạt địa danh mang thành tố trước là Na (và các dạng khác: Nà, Ná, Nạ, Nã) có nghĩa là “ruộng”: Na Lữ, Na Sầm, Nà Duầy, Nà Phặc, Nạ Hang, Ná Ca, Nã Cà…
Tóm lại, hàm trong Hàm Thuận, Hàm Tân bắt nguồn từ tiếng Chăm Hamu kết hợp với các từ Hán - Việt Tân, Thuận, Trí, Nhơn…
PGS.TS Lê Trung Hoa